Thiếu và yếu
Mặc dù đã có thay đổi, nhưng y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Kết quả nghiên cứu tại 3 bệnh viện đa khoa Trung ương và 6 bệnh viện đa khoa tỉnh cho thấy, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có thể điều trị được ở bệnh viện tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã. Không tin tưởng chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở đã dẫn đến việc người dân kéo lên tuyến trên, gây quá tải trầm trọng cho các bệnh viện.
Nghị quyết số 20/NQ-TW đã xác định: Y tế cơ sở gồm y tế huyện, y tế xã, phường là nền tảng, là xương sống, là người “gác cổng” giữ vai trò điều tiết trong hệ thống y tế; Là nơi tiếp cận đầu tiên, toàn diện, hệ thống đối với sức khỏe của người dân. Nơi mà người dân được quản lý sức khỏe; được chăm sóc, dự phòng, nâng cao sức khỏe (khi chưa bị bệnh). Nếu có bệnh tật thì được phát hiện, quản lý, theo dõi và chăm sóc ban đầu với chi phí thấp nhất nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ cho nhân dân.
Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, trong quá trình khám chữa bệnh, các cơ sở y tế chưa thực hiện được các dịch vụ phân theo tuyến. Bình quân trạm y tế xã chỉ thực hiện được 50 – 70% các dịch vụ kỹ thuật, nhưng nhiều dịch vụ chưa được bảo hiểm y tế thanh toán do những vướng mắc về chứng chỉ hành nghề. Danh mục thuốc cho trạm y tế xã, kể cả các thuốc phòng chống bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, huyết áp… đã có nhưng vướng mắc trong cung ứng thuốc. Nhiều trạm chỉ được cung ứng khoảng 40% số thuốc gói dịch vụ y tế cơ bản và số lượng cũng rất hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng có thực trạng này là do người dân chưa tin tưởng vào trạm y tế xã nên thường vượt tuyến. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa thực sự tốt, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Bên cạnh đó, phần lớn các trạm y tế chưa quản lý được các bệnh mạn tính.
Người dân có quyền hy vọng?
Thời gian gần đây, mô hình trạm y tế điểm cũng mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Tuy nhiên trong số 26 trạm y tế được chọn xây dựng thí điểm chỉ có 3 địa phương là: Hà Nội, TPHCM, Yên Bái là có đầy đủ bác sĩ tại các trạm y tế; vẫn còn 8/26 trạm chưa có bác sĩ làm việc tại chỗ; 9/26 trạm chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 trạm chưa có dược sĩ...
Một rào cản nữa khiến bệnh nhân vượt tuyến là do tuyến y tế cơ sở chưa bảo đảm được quyền lợi của người có thẻ BHYT vì danh mục thuốc BHYT ở trạm y tế rất ít, thiếu nhiều loại cơ bản. Một số trạm y tế không có bác sĩ nên cũng hạn chế việc sử dụng các loại thuốc, một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính như: Huyết áp, tiểu đường… cũng chưa được chỉ định ở tuyến xã.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ngay từ tuyến cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra những chỉ đạo, giải pháp tích cực như: Tiếp tục củng cố tổ chức mạng lưới cơ sở, đầu tư về cơ sở vật chất cũng như đào tạo nguồn nhân lực y tế. Ngoài việc rà soát, phân loại các trạm y tế, Sở Y tế các tỉnh có thể tham khảo sơ đồ bố trí các phòng theo công năng sử dụng phù hợp với từng nhóm trạm mà Dự án HPET (Dự án GD-ĐT nhân lực y tế) đã tư vấn để chỉ đạo; Huy động nguồn ngân sách từ địa phương dành cho y tế cơ sở và đặc biệt tăng cường phát triển nguồn nhân lực cơ sở.
Khắc phục những tồn tại các trạm y tế xã, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: 26 trạm y tế điểm tới đây sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế, đến trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm. Các trạm y tế xã đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản...