Kỳ vọng không gian chung

GD&TĐ - Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Kỳ vọng không gian chung

Đây là sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Bộ GD&ĐT Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023.

Bộ GD&ĐT Việt Nam đã lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này là “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”. Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đồng thời ghi nhận Không gian giáo dục đại học ASEAN thông qua công bố Lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025.

Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, cũng như hướng tới nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ cũng đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch kênh giáo dục 2022 - 2023, trong đó đáng chú ý là nội dung Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Liên quan đến ưu tiên này, dự kiến, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Bộ GD&ĐT tập trung triển khai tạo không gian chung để sinh viên các nước ASEAN và ASEAN+3 chia sẻ về khởi nghiệp trong giới trẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề hợp tác, chia sẻ đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học trở thành một trong những mối quan tâm lớn của Việt Nam nói riêng và toàn khu vực nói chung. ASEAN hiện có quy mô kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới và đang được kỳ vọng vươn lên vị trí thứ 4 vào năm 2050. Cộng đồng ASEAN có tổng dân số đạt gần 680 triệu người, có lợi thế về lực lượng lao động lớn, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, nhóm người trẻ chiếm 1/3 dân số cả ASEAN và đây là lực lượng đông đảo nhất từ trước đến nay, hứa hẹn có đóng góp quan trọng trong hợp tác, phát triển và sự thịnh vượng chung của cả khu vực.

Là một thành viên của ASEAN, thời gian qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực vượt bậc trong đổi mới sáng tạo, phát triển giáo dục đại học, tăng cường hội nhập khu vực. Cùng với Philipines, Việt Nam là quốc gia có số chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đại học được AUN-QA đánh giá nhiều nhất trong khu vực ASEAN. Từ năm 2009 đến 30/6/2022 có 250 chương trình đào tạo tại Việt Nam được AUN-QA đánh giá ngoài và cấp chứng nhận đạt kiểm định chất lượng.

Tuy vậy, liên quan đến đổi mới sáng tạo, giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Hằng năm, công bố số bài báo quốc tế của cả hệ thống chưa vượt qua con số 20.000 bài (gần gấp hai lần so với Đại học Quốc gia Singapore). Và trong quá trình phát triển, cả hệ thống mới sở hữu không quá 200 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích trong nước và vài chục bằng sáng chế quốc tế.

Giáo dục đại học đang bước vào giai đoạn đòi hỏi đổi mới sáng tạo để đóng góp trực tiếp hơn cho sự thịnh vượng. NGND.GS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ Tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đã nhận định: “Không có năng lực đổi mới sáng tạo, trường đại học không những không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị cho mình, mà còn bị cách mạng công nghiệp 4.0 bỏ rơi, đặc biệt nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển”.

Do đó, tăng cường hợp tác, hội nhập, đổi mới sáng tạo giáo dục đại học được xem là chìa khóa quan trọng để khai mở nguồn lực kinh tế tri thức của Việt Nam cũng như mỗi quốc gia. Xây dựng Không gian Giáo dục Đại học ASEAN 2025 - hiện thực hóa những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch kênh giáo dục 2022 – 2023 - vì thế được kỳ vọng là nền tảng chung, tạo cơ hội tốt để các nước trong khu vực cùng chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm và đề xuất các chiến lược, tạo sự hài hòa và hỗ trợ đổi mới sáng tạo, quốc tế hóa giáo dục đại học, hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN thịnh vượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.