Kỳ vọng chữa bệnh xương thủy tinh từ liệu pháp 4T

“Hiệu quả sẽ không như mong muốn nếu chỉ áp dụng riêng lẻ Đông y hoặc Tây y” - đó là chia sẻ của BS Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM nói về việc chữa trị bệnh xương thủy tinh.

Kỳ vọng chữa bệnh xương thủy tinh từ liệu pháp 4T
Ky vong chua benh xuong thuy tinh tu lieu phap 4T - Anh 1

Hình chụp X.quang của một bệnh nhân xương thủy tinh. Ảnh: Physiopedia

Nằm trong chuỗi hoạt động của tuần lễ Đông y, sáng nay hội thảo “Y học cổ truyền kết hợp Y học hiện đại trong điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân” đã được diễn ra tại hội trường Trung tâm Văn hóa Quận 5.

Tại hội thảo, phương pháp chăm sóc bệnh nhân “Tạo xương bất toàn” (xương thủy tinh) bằng Đông - Tây y kết hợp đã được giới y học quan tâm.

Trình bày tham luận, BS Trần Văn Năm – Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM nhận định, đây là loại bệnh chưa thể điều trị khỏi, mà hiện chỉ mới dừng ở mức tập vật lí trị liệu, sử dụng thuốc bổ sung can xi để tăng cường cho xương.

Qua 6 năm điều trị, chăm sóc bệnh nhân xương thủy tinh, ông cho biết, việc kết hợp giữa Đông và Tây y trong điều trị bệnh đang mang lại kết quả cao.

BS Năm cho rằng, chăm sóc theo Đông y chính là áp dụng liệu pháp 4T (kết hợp giữ Thuốc, Tập luyện, Thực dưỡng và Tinh thần).

“Sau khi sức khỏe bệnh nhân ổn định, các chuyên gia chỉnh hình sẽ can thiệp để phẫu thuật. Có thể nói đây là liệu pháp thứ 5, kết hợp giữa Đông và Tây y” – ông cho hay.

Qua điều trị thực tế 100 trẻ bị xương thủy tinh tại quận 12, BS Năm nhận thấy 95% trẻ hết đau sau 30 ngày chăm sóc, giảm từ 57-78% tần suất gãy xương, phục hồi vận động đạt 36 - 66% và đa số tự đi lại được.

Từ những thành tựu ban đầu, BS.Trần Văn Năm nhấn mạnh, cần phải kết hợp điều trị giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại để mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh.

Ky vong chua benh xuong thuy tinh tu lieu phap 4T - Anh 2

Các bác sĩ trình bày tham luận tại hội thảo.

Cũng trong buổi hội thảo này, phương pháp “cấy chỉ” trong điều trị y học cổ truyền được các bác sĩ, cùng những người hoạt động Đông y đưa ra thảo luận.

BS Đỗ Tấn Khoa – Phó Giám đốc bệnh viện Y học Cổ Truyền TP.HCM cho biết, cấy chỉ là một phương pháp châm cứu mới – bước phát triển cao của châm cứu trong phòng chữa bệnh và phục hồi chức năng. Đây được đánh giá là phương pháp “rất hiện đại và độc đáo”.

Theo BS Khoa, cấy chỉ đã được sử dụng tại các bệnh viện phía Bắc của Việt Nam như Viện quân y 103, Viện quân y 108… từ những năm 70, tuy nhiên tại các tỉnh phía Nam chỉ mới bắt đầu triển khai tại một số tỉnh thành như Bến Tre, TP.HCM, Khánh Hòa… trong thời gian gần đây.

Hiện nay chỉ tự tiêu gồm 2 loại là Catgut và Polydioxanone.

Nếu như chỉ catgut có nguồn gốc từ tự nhiên, tự phân hủy protein theo cơ chế enzyme và chủ yếu dùng trong phẫu thuật thẩm mĩ, nhãn khoa, sản phụ khoa, thì chỉ Polydioxanone được tổng hợp từ các chất polyme nên có độ bền cao, và thường dùng trong phẫu thuật hệ tiêu hóa, tạo hình hoặc tái tạo.

BS Khoa chia sẻ, nếu điều trị bằng phương pháp này, từ 1 đến 2 tuần bệnh nhân sẽ cấy chỉ. Tuy nhiên tùy vào thể trạng mà thời gian cấy có thể sẽ được rút ngắn. Một liệu trình điều trị trung bình sẽ kéo dài từ 3 đến 4 lần.

Trong khi đó đề cập đến bệnh viêm mũi dị ứng – một loại bệnh khó chữa và gây rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân, PGS. BS Nguyễn Thị Bay cho rằng khảo sát lâm sàng đã chứng minh rằng chế phẩm dạng xịt từ thảo dược mang lại những kết quả khả quan.

Cũng theo PGS Bay, kết quả trên được rút ra sau khi điều trị thử nghiệm trên 124 bệnh nhân. Bà khuyến cáo các bệnh nhân nên dùng dạng thuốc này trong điều trị, đặc biệt ở thể phong nhiệt.

Theo Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.