Kỳ vọng 2024

GD&TĐ - Ngành Giáo dục năm 2023 khá đặc biệt với nhiều hoạt động lớn, có ý nghĩa quan trọng lần đầu được tổ chức.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước hết phải nói đến dấu mốc 10 năm toàn ngành thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; đánh giá việc triển khai Chương trình GDPT 2018 phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Cũng trong năm 2023, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức 6 hội nghị vùng kinh tế - xã hội về phát triển GD-ĐT; từ đó ban hành 6 kế hoạch hành động để xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD-ĐT cho từng vùng.

Từ khóa “lần đầu” của năm 2023 còn ghi dấu với sự kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học trên cả nước.

Đây là một trong nhiều hoạt động của năm 2023 thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Bộ GD&ĐT hướng tới đội ngũ, chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo với những kết quả cụ thể, thiết thực. Trong đó, đáng chú ý là việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành xét thăng hạng; Chính phủ ban hành Nghị quyết giao Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo… Phương án thi tốt nghiệp THPT cho lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 cũng được công bố.

Nhìn lại chặng đường triển khai đổi mới giáo dục trong cả một quá trình, trong năm 2023, nhiều kết quả quan trọng về GD-ĐT được ghi nhận. Nền giáo dục đã có bước chuyển mạnh mẽ từ nặng lý thuyết, nhẹ thực hành sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Triển khai Chương trình GDPT 2018 bước đầu chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường.

Chất lượng GDPT đại trà, mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ tạo động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Một số cơ sở giáo dục đại học có tên trong nhóm tốt nhất khu vực châu Á và thế giới. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới...

Nhiều hạn chế, yếu kém trước đó nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW dần được khắc phục. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng còn rất nhiều, đặc biệt liên quan đến các điều kiện bảo đảm chất lượng, như đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đầu tư cho giáo dục…

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi chúng ta bước sang một chặng đường mới trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; năm Chương trình GDPT 2018 phủ tất cả lớp học. Tiếp nối năm 2023, phát huy thành quả đạt được, kiên trì mục tiêu đổi mới và nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức còn tồn tại cũng là mục tiêu trong năm 2024 với sự đổi mới theo chiều sâu và nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Trọng tâm là tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018; ban hành Chương trình Giáo dục mầm non mới để đưa vào triển khai thí điểm; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo chiều sâu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, tập trung xây dựng Luật Nhà giáo; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đồng bộ, phù hợp với chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục…

Mong chờ lớn nhất trong năm 2024 có lẽ là chỉ đạo ở tầm vĩ mô để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 trong giai đoạn mới; làm sao quan điểm coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu được quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất để giáo dục có thể thực sự bứt phá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.