Đúng 15h ngày 10/10/1954, trong không khí tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra ngay sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đó chính là lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng.
Hơn sáu thập kỷ đã qua, những ký ức hào hùng của những ngày tháng 10 lịch sử ấy vẫn còn vang vọng mãi. Đại tá Vũ Kiểm (94 tuổi) - người chiến sĩ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đại quân tham gia lễ chào cờ lịch sử trong ngày đầu tiên Hà Nội giải phóng, bồi hồi nhớ lại:
“Năm đó, tôi cùng các chiến sỹ sư đoàn 308 về Hà Nội trước một ngày để làm công tác tiền trạm, chuẩn bị tiếp quản. Chúng tôi về đóng quân trong thành, sáng 10/10, đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xe đến và hỏi có anh em nào người Hà Nội không, tất cả có 15 người lên xe đi thăm Hà Nội một vòng rồi buổi chiều tập kết về sân Cột Cờ để làm lễ chào cờ”.
Ngày làm lễ chào cờ năm đó ông làm cán bộ Đại đội, đứng hát theo nhưng lúc đó cảm động lắm, người run, nhìn lên lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới ở Cột Cờ, thấy to lắm, vui lắm.
Cảm xúc trong giây phút ấy, Đại tá Vũ Kiểm làm nên mấy vần thơ:
“Bao năm xa cách Cột Cờ
Thủ đô giải phóng bây giờ là đây
Nghẹn ngào chào lá cờ bay
Rưng rưng giọt lệ tràn đầy bờ mi
Ngày về nhớ buổi ra đi”.
Giờ đây nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, được gặp lại các đồng đội cùng tham gia chiến đấu, thấy đất nước ta mỗi ngày một phát triển hơn, như vậy chúng tôi rất phấn khởi, Đại tá Vũ Kiểm xúc động nói.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308) còn nhớ mãi buổi sáng lịch sử ngày 10/10/1954, khi cả 5 cửa ô rợp cờ hoa và sự hân hoan của nhân dân đón chào đoàn quân chiến thắng, trở về tiếp quản Thủ đô.
8h sáng, các chiến sĩ của các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo, trở về Thủ đô giữa một rừng cờ hoa chào đón. Đội hình bộ binh dẫn đầu tiến từ khu vực Mai Dịch, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc vào thành Hà Nội. Từ phía Nam, một đội hình bộ binh khác lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế, ra Tràng Tiền rồi về khu vực Đồn Thủy.
Đại tá Vũ Kiểm - người chiến sĩ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đại quân tham gia lễ chào cờ lịch sử trong ngày đầu tiên Hà Nội giải phóng. Ảnh: Thành Nam |
Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới. Dẫn đầu đội hình này là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố. Tiếp sau là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308...
Trong hồi ức của người chiến sĩ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đại quân tham gia Lễ chào cờ lịch sử vẫn còn nhớ, 15 giờ còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Toàn Thành phố hướng về Cột Cờ thành Hoàng Diệu. Mọi người kính cẩn nhìn lên lá cờ quốc kỳ đang tung bay trên cột cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô.
Mọi người trang nghiêm, tự hào nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ... Đó là giây phút hạnh phúc tuyệt vời với mọi người dân Thủ đô, thời khắc Hà Nội chính thức đón nhận cuộc sống thanh bình trở lại sau 9 năm kháng chiến gian khổ với biết bao mất mát, hi sinh...
Hồi ức thiêng liêng của những nhân chứng lịch sử năm nào vẫn khắc họa rất rõ quang cảnh phố phường Hà Nội giờ phút ấy, nhà nào đều mở toang cửa ngõ. Cờ đỏ sao vàng được treo lên đỏ rực bầu trời. Mọi người nam nữ, già trẻ tỏa ra khắp đường để đón chào bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô.
Có thể thấy, câu chuyện lịch sử về Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp từ ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), qua 9 năm nếm mật, nằm gai để tiến tới những giờ phút huy hoàng, trang nghiêm. Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954 đã mở ra một chặng đường mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gần 70 năm đã trôi qua, những con phố thân quen nơi diễn ra các trận đánh của các chiến sĩ trong mùa đông năm 1946 vẫn lặng lẽ chứng kiến biết bao sự đổi thay của Hà Nội, trong đó có sự trưởng thành của một thế hệ sĩ quan quân đội, những chiến sĩ quyết tử mùa đông năm ấy.