Kí ức không thể nào quên
Hồi tưởng về những ngày tháng của hơn 30 năm trước, ông cho biết: “Vào khoảng 17h chiều 13/3/1988, tôi cùng đồng đội trên tàu HQ 604 ra đến Gạc Ma. Ngay sau đó, có 3 tàu Trung Quốc xuất hiện và dùng loa yêu cầu chúng tôi rời khỏi đảo.
Trước những yêu cầu vô lý từ phía tàu Trung Quốc, tôi và tất cả đồng đội trên tàu HQ 604 vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Tàu Trung Quốc sau đó đã rời đi, tuy nhiên đến 6h sáng 14/3/1988, chúng đã quay trở lại, cho lính đổ bộ lên đảo cướp cờ. Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma cùng đồng đội đã chiến đấu dũng cảm, quyết tâm giữ vững lá cờ Tổ quốc”.
Phía Trung Quốc đã nổ súng bắn vào những người lính hải quân và bắn pháo vào tàu HQ 604. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công, nhưng những người lính vẫn kiên cường đấu tranh, quyết tâm giữ đảo.
Cuộc chiến không cân sức đã làm 64 chiến sỹ hy sinh, trong đó Quảng Bình nhiều nhất với 13 người ngã xuống. Sau hơn 15 phút bắn phá tàu HQ 604 và những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma, tàu Trung Quốc mới rời đi.
Sau khi bị 2 tàu của Trung Quốc dùng pháo bắn phá, tàu HQ 604 hư hỏng nặng và bị chìm, ông Thống và nhiều đồng đội đang làm nhiệm vụ trên tàu cũng bị thương. Bản thân ông Thống, sau khi tàu chìm dần, ông đã cố gắng ngụp lặn để thoát ra khỏi rồi cố níu lấy tấm ván gỗ và lênh đênh trên biển với đầy những vết thương. Đến 16h ngày 14/3, ông bị quân Trung Quốc phát hiện và bắt lên tàu.
Ông Thống cho hay, khi bị bắt, ông gần như kiệt sức rồi lịm đi, khi tỉnh dậy thì thấy mình đã ở trong nhà giam ở bán đảo Lôi Châu. Thời gian đầu bị giam cầm, bản thân ông cùng đồng đội luôn bị tra khảo, mỗi lần như vậy những người lính đều trả lời mới nhập ngũ nên không biết.
Thế rồi, sau hơn 3 năm 5 tháng giam cầm, hỏi cung nhưng không khai thác được gì, đến tháng 8/1991, phía Trung Quốc đã thả tự do cho ông cùng 8 đồng đội của tàu HQ 604.
Trong suốt những năm qua, cứ đến dịp 14/3, thương binh Nguyễn Văn Thống và những người đồng đội của mình còn sống trong sự kiện Gạc Ma ngày ấy lại tổ chức gặp gỡ, ôn lại quá khứ hào hùng một thời và đặc biệt hơn là tưởng nhớ đến những người đồng đội đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mưu sinh giữa thời bình
Trở về sau sự kiện Gạc Ma, cựu binh Nguyễn Văn Thống (SN 1964, tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) mang trên mình đầy thương tật, mắt trái bị hỏng, bàn tay biến dạng, ngón gãy, ngón đứt.
Sau khi trở về quê hương, thương binh Nguyễn Văn Thống đã lập gia đình và tạo dựng tổ ấm cho mình. Ông được địa phương tạo điều kiện cấp cho một thửa đất cạnh khu vực chợ xã Nhân Trạch. Tại đây, ông Thống mưu sinh bằng việc đảm nhận dọn vệ sinh, thu gom rác trong chợ.
Dù có công việc để mưu sinh, cùng với khoản tiền lương thương binh nhưng cuộc sống của gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn, chật vật. Cuộc sống lại càng khó khăn hơn khi đứa con trai có ý định muốn xuất khẩu lao động nước ngoài. Vợ chồng ông đã vay mượn tiền đóng nộp cho con, nhưng lại vấp phải đường dây lừa đảo.
Tham gia trong Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Gạc Ma tại Quảng Bình, ông tâm sự, sau 34 năm rời Gạc Ma, đồng đội người còn người mất, mỗi người một cuộc sống, thế nhưng đa số đều vất vả.
"Vì gánh nặng mưu sinh nên cuộc sống của tôi cũng như các đồng đội còn nhiều vất vả, người thì đau ốm, người thì vợ con bệnh tật, có đồng đội dù sức khỏe yếu nhưng vẫn phải lam lũ, lặn lội vào tận miền Nam để lao động kiếm tiền", ông Thống bùi ngùi.
Thế nhưng, thương binh Nguyễn Văn Thống cũng vui mừng cho biết, dù khó khăn, vất vả nhưng những năm qua, bản thân ông và nhiều cựu binh Gạc Ma khác đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cấp, chính quyền cũng như các đơn vị, tổ chức.
Ngày 11/3/1988, tàu HQ 604 của Việt Nam xuất phát rời cảng Cam Ranh tiến ra đảo đá Gạc Ma, đến chiều tối ngày 13/3/1988 thì đến nơi.
Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma thì Trung Quốc đưa nhiều tàu hộ vệ tên lửa đến ngăn cản. Lính Trung Quốc mang vũ khí tràn lên đảo cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ, bắn chìm tàu HQ 604.
Sau trận đụng độ, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ đó đến nay.