Người khơi nguồn đổi mới sáng tạo:

Ký ức 'diệt giặc dốt' của nhà giáo tuổi bách niên

GD&TĐ - Nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân, 97 tuổi, nguyên cán bộ Nha Bình dân học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục kể những kỷ niệm về phong trào Bình dân học vụ.

Nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân lưu giữ các bài báo là những kỷ niệm về phong trào Bình dân học vụ.
Nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân lưu giữ các bài báo là những kỷ niệm về phong trào Bình dân học vụ.

Chiến sĩ diệt dốt

78 năm xung kích trên mặt trận diệt giặc dốt, nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân là tấm gương sáng về tinh thần học tập và làm theo Bác Hồ. Ông được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu Chiến sĩ diệt dốt cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Ở tuổi 97, ông Nguyễn Thìn Xuân minh mẫn kể lại những dấu mốc lịch sử: Ngày 2/9/1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng lúc đối mặt với nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm. Thống kê thời kỳ đó, trong 100 người thì có 3 trẻ em từ 8 - 16 tuổi đi học và 2 người lớn biết chữ, còn 95 người thất học. Có những làng không một người nào biết chữ.

Trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 việc cấp bách, chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau nạn đói. Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành liền ba sắc lệnh số 17, 19 và 20, thành lập Nha Bình dân học vụ nằm trong Bộ Quốc gia Giáo dục, hạn trong 6 tháng, làng và thị trấn nào cũng phải có “ít ra là một lớp bình dân” và cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc.

Lúc bấy giờ, người mù chữ nhiều, tài chính quốc gia lại có hạn, số lượng giáo viên cũng ít nên việc dạy và học chữ được tổ chức rất linh hoạt. Ở đâu có người, ở đó có lớp học. Phong trào học tập rất sôi nổi vào các buổi trưa, chiều, tối. Những nơi chưa có trường lớp thì đình, chùa, miếu, sân nhà, đồng ruộng đều trở thành lớp học.

Người ta viết chữ lên tường, gốc cây, nong, nia, gắn bảng treo ở nơi đông người qua lại để đi tới đâu, người dân cũng thấy chữ cho dễ nhớ, dễ thuộc. Tại các cổng chợ hay bến đò, thường treo bảng gắn các chữ “q”, “qu”, “qua”. Nếu ai đọc được thì cho bước qua “cổng vinh quang”, ai không đọc được thì đi sang “cổng mù”.

Đó là hình thức bắt buộc để ai không đọc được sẽ thấy xấu hổ nên quyết tâm học chữ. Thời đó, phụ nữ thuộc đối tượng khó đi học nhưng thực hiện lời kêu gọi của Bác “phụ nữ càng phải học” nên có những bà mẹ trẻ mang cả con nhỏ tới lớp. Có chị vừa viết vừa khóc vì cảm thấy viết chữ khó hơn cày ruộng, nhưng rồi dần dần cũng viết được cái chữ.

Trong những năm công tác ở Nha Bình dân học vụ, ông Xuân phụ trách vấn đề học tập của các cơ quan Trung ương. Ông kể, có thời điểm cán bộ, công nhân viên các cơ quan Trung ương phần lớn là nông dân, trình độ còn thấp. Do đó, các cơ quan Trung ương đều phải thành lập Ban Học tập.

Ông thường liên hệ với ban đó để bàn bạc phối hợp tổ chức học tập cho cán bộ, công nhân viên. Lớp học tổ chức từ thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần, dành cho mọi người chưa biết chữ. Vì thế, đến buổi tối, người dân Thủ đô nô nức cầm đèn đi học như đi hội hoa đăng...

Nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân.

Nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân.

Nặng tình với sự nghiệp trồng người

Cho đến khi nghỉ hưu, nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân vẫn tiếp tục xông pha trong “cuộc chiến” thanh toán nạn thất học, tự nguyện làm điểm tựa tinh thần cho Câu lạc bộ UNESCO Chiến sĩ diệt dốt và học tập cộng đồng Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoạt động hiệu quả.

Câu lạc bộ đã tập hợp những người từng tham gia công việc truyền bá quốc ngữ, dạy các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay để phổ biến kinh nghiệm dạy học, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và ngành Giáo dục xóa nạn mù chữ, chống nạn thất học và nâng cao dân trí.

Hơn 200 hội viên đều thuộc lứa tuổi “xưa nay hiếm” nhưng đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa như tham gia đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng; tổ chức hội thảo “Điều tâm huyết đối với giáo dục người lớn”. Câu lạc bộ đã góp tiếng nói quan trọng trong việc kiến nghị, đề xuất với Chính phủ cho ra đời Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn.

Năm 2020, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, “lão tướng” diệt giặc dốt Nguyễn Thìn Xuân đã tham gia cùng ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng tổ chức cuộc tổng kết phong trào Bình dân học vụ do Bác Hồ khởi xướng 75 năm trước, để rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần duy trì và phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Nhà giáo ở tuổi bách niên cho biết, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, chỉ cần “nhấp chuột” thì cả thế giới hiện ra trên màn hình máy vi tính. Tuy nhiên, việc chống giặc dốt vẫn chưa bao giờ hết tính thời sự, vai trò của các “Chiến sĩ diệt dốt” năm xưa luôn được trân trọng.

Bởi xã hội càng hiện đại, văn minh, mọi người càng cần có nhiều kiến thức. Ở mỗi giai đoạn, Nhà nước sẽ có chính sách phát triển giáo dục khác nhau. Chẳng hạn năm 2005 có kế hoạch xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội học tập; năm 2020 có nghị quyết đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số quốc gia... Công cuộc xóa mù chữ không phải đã kết thúc mà mỗi giai đoạn sẽ gắn với mục tiêu phát triển riêng.

Hiện tại, ông Xuân sống cùng gia đình người con trai tại phố Cự Lộc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Mặc dù đôi bàn tay bị ảnh hưởng của bệnh Parkinson, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, ông vẫn sử dụng máy vi tính để vào mạng cập nhật tin tức thời sự và viết bài cho các báo.

Cuối đời, tôi chẳng có gì đáng kể để lại cho con cháu ngoài cái tâm luôn trong sáng. Lăn lộn với phong trào truyền bá quốc ngữ, bình dân học vụ, tôi chỉ có mấy “bồ chữ” phổ thông “a-bờ-cờ” và “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu” để làm kỷ niệm lúc về già, nhưng nỗi lòng với sự nghiệp giáo dục thì chưa bao giờ vơi cạn. - Nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.