Nghệ thuật sôi động hướng tới Ngày Giải phóng miền Nam

GD&TĐ - Hướng tới kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - nhiều hoạt động nghệ thuật sôi động diễn ra từ Bắc vào Nam.

Triển lãm“Côn Đảo - Đà Lạt” tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Lâm Đồng).
Triển lãm“Côn Đảo - Đà Lạt” tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Lâm Đồng).

Chiếu phim, triển lãm mỹ thuật, trưng bày tư liệu, giáo dục truyền thống cách mạng… diễn ra khắp Bắc – Trung – Nam, thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và học sinh – sinh viên tham gia.

Côn Đảo dưới thời Nguyễn

Tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Lâm Đồng phối hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức triển lãm chuyên đề “Côn Đảo - Đà Lạt, điểm kết nối văn hóa và du lịch”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, triển lãm là một trong những hoạt động có ý nghĩa chính trị quan trọng, giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào về truyền thống cha ông thông qua các hình ảnh, tư liệu từ những di tích lịch sử, chiến khu xưa.

Triển lãm trưng bày hơn 300 tư liệu và hình ảnh, từ khi Côn Đảo được nhà Nguyễn xác lập chủ quyền đến nay. Cùng với đó là những hình ảnh về vùng đất anh hùng, vẻ đẹp thiên nhiên và tiềm năng phát triển Côn Đảo.

Chương trình có bốn nội dung: Côn Đảo dưới thời nhà Nguyễn, nhà tù Côn Đảo - Lịch sử 113 năm (1862 - 1975), di tích Côn Đảo trong lòng người dân Việt Nam và quốc tế, Côn Đảo - danh thắng và thành tựu phát triển.

Trong khuôn khổ triển lãm, chương trình tham quan tìm hiểu Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt thu hút đông đảo học sinh. Đồng thời, một số cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt cũng góp mặt để kể về những câu chuyện đằng sau hiện vật.

Tại Hà Nội, ngày 26/4 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tổ chức triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”. Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm được sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1954 - 1975.

Chất liệu và nội dung của các ký họa được trưng bày vô cùng phong phú. Các họa sĩ đã sử dụng chất liệu màu nước, bột màu, bút sắt, chì… để ghi lại “trang nhật ký chiến trường” về con người, cuộc sống trên vùng chiến địa Nam Bộ: Xuân trong hầm Pháo (Thái Hà), Nghỉ đêm trong làng (Thái Hà), Trận Bình Giã 1965 (Huỳnh Phương Đông), Trên đường vào Nam cắt tóc (Lê Lam), Chị Quyên (Lê Lam)…

Trưng bày chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam” không chỉ là nguồn tư liệu quý về hiện thực lịch sử - nghệ thuật, mà còn là bằng chứng khẳng định những thành quả của mỹ thuật cách mạng. Đồng thời là một điểm son rất riêng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật hiện đại thế giới, đặc biệt ở mảng ký ức tư liệu nghệ thuật.

Theo ban tổ chức, trưng bày còn là dịp để tri ân người chiến sĩ - họa sĩ đã có công đóng góp sức lực cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, mang lại nền độc lập cho đất nước. Đồng thời, tôn vinh những người nghệ sĩ đã đóng góp trí lực làm dày thêm trang sử Việt Nam bằng nghệ thuật.

Tác phẩm “Ngoan cường trong chiến đấu” trong triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam”.

Tác phẩm “Ngoan cường trong chiến đấu” trong triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam”.

Tái hiện những nữ anh hùng

Hướng tới Ngày Giải phóng miền Nam, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa: Nhạc công và âm nhạc cổ truyền, triển lãm tranh cổ động, trưng bày hiện vật thời bao cấp, giới thiệu nghề đan lát truyền thống và triển lãm ảnh chủ đề “Việt Nam – Một dải yêu thương”.

Hướng tới chào mừng 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) – bộ phim “Bình minh đỏ” do Nhà nước đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam cũng được công chiếu.

Chuyện phim xoay quanh bốn cô gái trẻ được giao nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương.

Phim lấy bối cảnh chiến sự sau Tết Mậu Thân 1968. Lúc này, cuộc chiến ngày càng ác liệt. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách.

Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để đào tạo lái xe vận tải trung chuyển cho chiến trường. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời, với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn.

Bốn cô gái Châu – Hân – Sa - Thương đều còn rất trẻ, đến chiến trường từ những hoàn cảnh riêng. Họ đều chung quyết tâm không sợ gian khổ hi sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho thắng lợi cuối cùng.

Chứng kiến tình đồng chí cao cả, tinh thần quả cảm của đồng đội chấp nhận hi sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ trong những chuyến xe ngày đêm xuyên qua mưa bom bão đạn. Các cô gái đã nhanh chóng trưởng thành, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để cùng sát cánh bên nhau trên những cung đường ác liệt.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, Hân – Thương - Sa và anh trai đã lần lượt hi sinh, để lại nỗi đau lớn đối với Châu. Nhưng với quyết tâm và ý chí mạnh mẽ, Châu đã tiếp tục ra chiến trường để thực hiện nhiệm vụ còn dang dở trên những cung đường Trường Sơn khói lửa, góp phần vào công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước.

Phim lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn. Tôn vinh những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng, và những người lính đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Phim được sản xuất trong năm 2021 - khi dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Huế, phim “Bình minh đỏ” được trao Giải thưởng Giám khảo.

Tham gia phim là các nữ diễn viên trẻ như Phạm Quỳnh Anh, Phạm Bảo Hân, Hà Phương Anh, Hoàng Bích Phượng. Phim có sự kết hợp của hai thế hệ đạo diễn là NSND Nguyễn Thanh Vân và đạo diễn trẻ Trần Chí Thành, dựa trên kịch bản của tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ