Không khí Tết xưa
Cái tết năm 1973 ở Hà Nội mang một ý nghĩa đặc biệt, đằng đẵng 19 năm bom đạn chiến tranh, đây là cái Tết đầu tiên người dân Hà Nội được hưởng trọn niềm vui hòa bình. Những ngày giáp tết năm 1973, chợ Đồng Xuân lúc này mới được mở cửa trở lại sau thời gian dài phải đóng cửa do chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Có ai đó nói rằng, nếu Hồ Gươm là lá phổi của Hà Nội, thì chợ Đồng Xuân như cái dạ dày lớn của mảnh đất Thủ Đô. Bởi ở đây, đủ các loại mặt hàng thực phẩm được bày bán tấp nập. Hơn cả thế, có thể thấy chợ Đồng Xuân là khu chợ sầm uất nhất, nhiều hàng hóa nhất. Đủ các loại thượng vàng hạ cám, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ảnh cắt từ clip
Những ngày giáp tết. Lại là cái Tết hòa bình đầu tiên sau hiệp định Paris, chợ Đồng Xuân tấp nập khác thường. Ta có thể thấy được sự hân hoan trên nét mặt những người dân tranh thủ sắm Tết. Đông nhất là hang hoa. Trước đó, hoa Tết Hà Nội bán ở chợ Cầu Đông (quãng Hàng Đường) sau chuyển về chợ Đồng Xuân. Khu bán hoa chợ Đồng Xuân quá chật chỉ chứa nổi hoa ngày thường chứ không kham nổi hoa ngày Tết, cho nên hoa phải tràn ra Cống Chéo Hàng Lược.
Một bánh pháo, một chai rượu mơ, rượu quýt, một cân miến tàu, một chiếc áo mới cho con trẻ, cho đến những vật dụng sinh hoạt thường nhật. Trong dòng người hồ hởi sắm Tết tại chợ Đồng Xuân ngày đó, ta bất ngờ bắt gặp hình ảnh có nghệ sĩ ưu tú Văn Hiệp thời còn trai trẻ. Ai cung nô nức xếp hàng tại các quầy, kiot sắm Tết.
Mua đồ sắm Tết
Ngay từ xa xưa, chợ Đồng Xuân không chỉ là nơi buôn bán sầm uất, điểm giao hàng đầu mối trung tâm cho các chợ, vùng xung quanh mà còn là một trung tâm văn hóa.
Một nét độc đáo mang tính lịch sử và đô thị của chợ Đồng Xuân khác với nhiều chợ vùng quê cổ truyền Việt Nam, là ngày nào cũng họp, cũng có phiên. Nên việc chợ Đồng Xuân được mở cửa lại vào mùa xuân năm 1973 có ý nghĩa rất lớn đối với người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng.
Khi bom đạn không còn nữa, như một sự khẳng định, Đồng Xuân - một nhân chứng của lịch sử Thăng Long Hà Nội mãi là một địa chỉ quen thuộc và trân trọng không thể thiếu cho những lớp người Hà Nội về cả phương diện thương mại lẫn văn hóa.