Ký túc xá - lựa chọn phù hợp cho sinh viên khó khăn

GD&TĐ - Để giảm chi phí học tập ở thành phố lớn, nhiều tân sinh viên đã lựa chọn ở ký túc xá nhằm tiết kiệm và đi học thuận tiện hơn.

Tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được hướng dẫn chuẩn bị thủ tục nhập và các hồ sơ đăng ký ở ký túc xá. Ảnh: NTCC
Tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được hướng dẫn chuẩn bị thủ tục nhập và các hồ sơ đăng ký ở ký túc xá. Ảnh: NTCC

Nhu cầu lớn

Biết tin con đỗ đại học, gia đình anh Vy Văn Thuần (Lộc Bình, Lạng Sơn) rất phấn khởi. Để không bị động trong việc tìm chỗ ở cho con, anh đã nhờ người thân ở Hà Nội khảo sát trước để khi xuống nhập học có chỗ ở ngay.

Anh Thuần kể: “Sau khi nhờ người nhà tìm phòng trọ được biết giá phòng rẻ nhất cũng gần 2 triệu đồng/tháng, chưa tính điện, nước. Nếu con ở một mình cộng thêm chi phí ăn uống và học phí thì quá sức với gia đình như chúng tôi. Vì vậy, tôi quyết định đăng ký cho con ở ký túc xá”.

Con anh Thuần thuộc gia đình hộ nghèo, dân tộc thiểu số, sống ở huyện miền núi, do đó quá trình đăng ký ở ký túc xá được ưu tiên. “Ở ký túc xá không chỉ giảm chi phí sinh hoạt, an ninh… mà vấn đề phòng cháy chữa cháy cũng an toàn hơn nên gia đình khá yên tâm”, anh Thuần chia sẻ.

Trúng tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, em Lương Thị Thúy quê Nghệ An quyết định đăng ký ở ký túc xá để giảm bớt phí sinh hoạt hằng tháng. Thúy chia sẻ: “Em sinh ra ở xã nghèo của huyện Tương Dương. Từ những năm THPT đã đi học và ở nội trú cùng các bạn trong khu ký túc xá Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An nên em quen cuộc sống tự lập, sinh hoạt môi trường tập thể.

Bởi vậy vào đại học, em vẫn đăng ký ở ký túc xá để tiết kiệm một khoản chi phí. Không những thế, thời điểm này, tìm nhà trọ rất khó, giá nhà, điện, nước lại cao. Nếu ở ngoài, chi phí sinh hoạt hằng tháng gia đình chu cấp cho em rất lớn. Điều này sẽ khiến bố mẹ vất vả hơn”.

Mỗi kỳ học (5 tháng học), Thúy ở ký túc xá của nhà trường phải đóng 3,6 triệu đồng. “Mỗi tháng bố mẹ em chu cấp cho em 2,5 triệu đồng để trang trải tiền ăn, mua sắm đồ dùng cá nhân, dụng cụ học tập. Nếu em ở trọ bên ngoài chi phí có thể tăng gấp 2 - 3 lần”, Thúy chia sẻ.

Tương tự, Quan Thành Nam - tân sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội đã lựa chọn ở ký túc xá thay vì nhà trọ bên ngoài để giảm tối đa chi phí mà gia đình chu cấp hằng tháng.

Nam kể: “Điều kiện gia đình không khá giả mà học đại học chi phí mỗi năm khá lớn. Nếu ở nhà trọ bên ngoài, mỗi tháng ít nhất bố mẹ em phải chu cấp 2 triệu đồng để đóng tiền nhà và điện, nước. Trong khi đó, ở ký túc xá, mỗi kỳ (5 tháng) em đóng gần 2,7 triệu đồng, tiết kiệm được rất nhiều. Đối với sinh viên nghèo như em, được ở ký túc xá là lựa chọn phù hợp để an tâm học tập”.

lua chon phu hop cho sinh vien kho khan (2).jpg
Lương Thị Thuý – sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH học Sư Phạm Hà Nội học bài tại ký túc xá. Ảnh: NVCC

Hỗ trợ tối đa

Mùa tuyển sinh năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội đón hơn 9.000 sinh viên nhập học. Nhà trường đã huy động cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện tham gia tư vấn cho tân sinh viên và người nhà, nhằm đảm bảo tất cả được đón tiếp, nhập học thuận lợi nhất. Đồng thời, nhà trường cũng dành hơn 1.000 chỗ ở ký túc xá cho tân sinh viên.

PGS.TS Vũ Duy Hải - Trưởng ban Tuyển sinh, Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Ký túc xá của đơn vị có tổng cộng 4.000 suất, trong đó nhà trường bố trí khoảng hơn 1.000 chỗ cho sinh viên năm nhất trong 5 tòa nhà. Để các em có chỗ ở tốt, thuận lợi, từ dịp nghỉ hè, nhà trường đã sửa chữa, nâng cấp. Các phòng được bố trí khép kín, lắp đặt điều hòa, đảm bảo an ninh, phòng cháy chữa cháy đúng quy định”.

Do nhu cầu khá lớn trong khi ký túc xá của Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ đáp ứng đủ hơn 1.000 suất cho tân sinh viên. Vì vậy, nhà trường đã công bố các tiêu chí để đăng ký ở ký túc xá trên hệ thống online cho sinh viên, phụ huynh nắm bắt. Theo đó, sinh viên con gia đình chính sách, khó khăn, nghèo, các em ở vùng sâu xa… được ưu tiên.

Tương tự, Trường ĐH Thủy lợi hằng năm cũng dành các suất ở ký túc xá cho tân sinh viên có nhu cầu. ThS Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Thủy lợi cho biết: “Sau khi có thông báo trúng tuyển, nhà trường cung cấp đầy đủ thông tin về trường, chương trình học và ký túc xá… để tân sinh viên nghiên cứu. Theo đó, nếu có nguyện vọng ở ký túc, chúng tôi hướng dẫn cách thức đăng ký, thủ tục xét duyệt để phụ huynh và tân sinh viên hiểu, kê khai”.

Cùng đó, Trường ĐH Thủy lợi lưu ý bộ phận quản sinh quan tâm, sát sao đảm bảo an ninh, an toàn cho sinh viên khi bước vào năm học mới. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tân sinh viên để mau chóng hòa nhập môi trường học tập mới. Tổ chức hướng dẫn, kê khai các thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng, kỹ năng xử lý tình huống khi ở ký túc, phổ biến nội quy, quy chế để mỗi sinh viên có thể nắm được.

“Trong thời gian nghỉ hè, sinh viên về quê, nhà trường đã cải tạo cơ sở vật chất, phòng ký túc xá để bước vào năm học mới, các điều kiện sinh hoạt đã sẵn sàng, hệ thống điện, nước vận hành tốt. Cùng đó, chúng tôi tiến hành kiểm tra thiết bị bóng điện, quạt, giường, hệ thống nhà vệ sinh các phòng. Nếu có hỏng hóc cần sửa chữa, thay mới, đơn vị tận dụng thời gian nghỉ hè để làm ngay”, ThS Giang nói.

Ngoài hỗ trợ tối đa cho tân sinh viên ở ký túc xá, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị hệ thống bài giảng điện tử và giáo trình tham khảo được đăng tải trên hệ thống thư viện trực tuyến của trường, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho quá trình học tập của sinh viên... - PGS.TS Vũ Duy Hải (Trưởng ban Tuyển sinh, Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...