Hành trình thám hiểm sông ngầm trong hang Sơn Đoòng bắt đầu từ 1/4 đến 4/4, với sự tham gia của 5 chuyên gia lặn hang động người Anh.
Trưởng nhóm là ông Martin Holroyd, chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA); ba chuyên gia lặn hang động gồm Chris Jewell, Rick Stanton, Jason Mallinson; và một điều phối viên thiết bị lặn Laura Jewell.
Trước đó, Martin Holroyd đã lặn xuống độ sâu 25 m, từ mặt sông ngầm ở khu vực hạ lưu. Đội thám hiểm nhận định đoạn nối giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung có thể tìm thấy khi đạt độ sâu này.
Tuy nhiên ngày 2/4, chuyên gia lặn Chris Jewell lặn xuống 60 m nhưng không tìm được lối đi nào. Đến ngày 3/4, Rick Stanton và Jason Mallinson tiếp tục tìm kiếm. Jason lặn đến độ sâu 77 m, là giới hạn tối đa đối với một thợ lặn khí nén.
Chris Jewell tìm ra đường đi do Jason để lại và phát hiện mái vòm của đoạn hang mới ở độ sâu khoảng 60 m.
Rick Stanton
Rick có hơn 35 năm kinh nghiệm lặn thám hiểm và giải cứu trong hang động. Ảnh: Jonathan Williams. |
Từng làm lính cứu hỏa, Rick Stanton, 57 tuổi, đam mê lặn thám hiểm hang động từ năm 18 tuổi, sau khi xem một bộ phim tài liệu trên tivi.
Lần đầu tiên thế giới biết đến tên tuổi của Rick vào năm 2004, khi ông tham gia giải cứu 6 binh sĩ quân đội mắc kẹt 9 ngày trong một hang động ở Mexico vì nước lũ dâng cao. Một nạn nhân rất sợ nước và chưa từng lặn. Rick đã thuyết phục thành công người này lặn một quãng 180 m ra khỏi hang. Toàn bộ quá trình giải cứu kéo dài 9 giờ.
2004 cũng là năm Rick và John Volanthen lập kỷ lục thế giới về độ sâu lớn nhất đạt được trong một hang động ở Anh khi lặn xuống 76 m dưới hang Wookey Hole.
Thử thách cam go nhất với Rick là cuộc tìm kiếm thợ lặn kỳ cựu Eric Establie trong một hang động tại Pháp vào năm 2010. Đá lở khiến Eric mất tích trong hang hơn một tuần. Nhưng Rick và những người đồng hành phát hiện ra thi thể của Eric tại một điểm cách cửa hang hơn 910 m.
Cùng năm đó, Rick cùng các chuyên gia Anh lập kỷ lục với chuyến lặn hang dài nhất (8,8 km) vào hệ thống hang động Pozo Azul chưa được khám phá ở Tây Ban Nha.
Năm 2011, Rick còn tham gia giải cứu thi thể của Artur Kozlowski, một thợ lặn người Ba Lan, đuối nước dưới một lỗ khoan sâu 50 m trong hang động tại Ireland.
Mỗi thợ lặn phải đeo hai bình khí nén trên người khi luồn lách trong những hang động hẹp,nhiều ngóc ngách và sử dụng hệ thống tuần hoàn - tái sử dụng không khí thay vì thải ra ngoài để lặn trong nhiều giờ. Ảnh: Oxalis. |
Trong chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan năm ngoái, Rick và John Volanthen là những người đầu tiên tìm thấy các nạn nhân trong hang Tham Luang Nang Non.
Rick từng nhận nhiều giải thưởng danh giá từ Hoàng gia Anh về lòng dũng cảm, trong đó có Huy chương của Hội Nhân đạo Hoàng gia do Công chúa Alexandra trao tặng vào năm 2011.
Giải MBE năm 2012 của Nữ hoàng Elizabeth dành cho những cá nhân xuất sắc đóng góp cho cộng đồng, anh cũng được trao và gần nhất là huy chương George vì lòng dũng cảm vào năm 2018.
Chris Jewell
Chris bắt đầu khám phá hang động từ năm 2002, và lặn thám hiểm hang động từ năm 2006. Ảnh: Somerset Life. |
Chris Jewell, chuyên gia tư vấn phần mềm máy tính 37 tuổi, là thành viên của nhóm Cave Diving Group, một trong những hiệp hội thợ lặn nghiệp dư có truyền thống lâu đời nhất tại Anh. Chris vốn được coi là chuyên gia trong cộng đồng thợ lặn tại xứ sở sương mù và trở thành nhân viên lặn cho Hội đồng cứu hộ hang động Anh (BCRC).
Năm 2013, Chris dẫn đầu một đoàn 40 người thám hiểm hệ thống hang động Huautla tại Mexico, một trong những nơi xa xôi hiểm trở nhất trong lòng Trái Đất. Họ mang theo 500 kg thiết bị và ở trong hang hơn 10 ngày. Đo đạc từ điểm cao nhất tại lối vào tới điểm thấp nhất của hang, đoàn đã lặn tới độ sâu 1.545 m.
Năm 2018, Chris là một trong những thành viên của đội thợ lặn Anh nhận huân chương dũng cảm của Nữ hoàng Elizabeth II, vì giải cứu thành công đội bóng nhí Lợn Hoang trong hang Tham Luang Nang Non tại Thái Lan.
Anh phụ trách giải cứu một trong những cậu bé cuối cùng của đội bóng. Trên đường trở ra, anh không thể tìm thấy sợi dây dẫn đường và thả trôi giữa làn nước tối tăm. May mắn, Chris tìm thấy một đường cáp điện dẫn tới một khoảng hang anh đã bơi qua.
Thông thường, thợ lặn sẽ đeo găng tay cao su khi ở dưới nước, nhưng Chris để tay không vì muốn cảm nhận rõ đường đi và bảo vệ các cậu bé khỏi va đập vào nhũ đá trong hang. Quyết định này khiến bàn tay anh đầy vết trầy xước sau cuộc giải cứu.
Jason Mallinson
Jason Mallinson, 51 tuổi, là một thợ lặn từng lập nhiều kỷ lục khi thám hiểm hang động trên khắp thế giới, và mới đây nhất là hành trình tìm hang ngầm trong Sơn Đoòng.
Thường ngày Jason là một công nhân tự do, với chuyên môn rope access (leo dây tiếp cận) để thực hiện các công việc trên cao như vệ sinh, bảo trì, sửa chữa nhà cao tầng, giàn khoan, tháp trụ điện, viễn thông... Nhưng ông có hơn 30 năm kinh nghiệm lặn trong hang động và có tên trong danh sách chuyên gia của BCRC.
Jason Mallinson trong một chuyến lặn hang. Ảnh: Chris Jewell. |
Thành công trong sự nghiệp lặn của Jason cũng được đánh dấu tại Mexico vào năm 2004 với vụ giải cứu 6 sĩ quan cùng Rick Stanton. Hai người còn đồng hành trong chuyến lặn kỷ lục 8,8 km ở Tây Ban Nha năm 2010, đánh bại kỷ lục lặn 7,8 km trong một hang động ở Florida (Mỹ) vào năm 2009.
Jason còn thực hiện nhiều nhiệm vụ đưa thi thể của những thợ lặn xấu số bỏ mạng trong các hang động ở Na Uy, Ireland, Pháp và Anh.
Trong cuộc giải cứu đội bóng nhí ở Thái Lan năm ngoái, Jason đưa 4 trong 12 cậu bé ra khỏi hang an toàn. Anh và Chris là hai trong bốn người lặn vào hang để chuẩn bị tinh thần cho các cậu bé trước hành trình rời hang. Anh chịu trách nhiệm với cậu bé cuối cùng, giây phút ấy khiến anh nghẹn ngào khi cuộc giải cứu kết thúc có hậu.
Cùng với Chris, Jason nhận huân chương dũng cảm của Nữ hoàng Anh về lòng quả cảm trong nỗ lực giải cứu này.