Khác với lần đến đây ba năm trước, đường về Khu bảo tồn to rộng, láng vo, xanh mượt bóng cây bản địa như sộp, còng, cà na, bần… dọc theo hai bên đường. Có rất nhiều ngôi nhà mới to đẹp, khang trang mọc lên.
Cạnh đó trên bờ có rất nhiều xe gắn máy lưu thông xuôi ngược chở nhiều hàng hóa; dưới sông các phương tiện thủy chở đầy bông súng tím, mía làm đường, lúa gạo… dập dìu. Tất cả đã minh chứng cho một cuộc đổi đời rất nhanh chóng của cư dân sinh sống xung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo của vùng sông nước miền Tây.
Nàng công chúa ngủ quên
Người bạn đi cùng nói vui: “Lung này như nàng công chúa mỹ miều kiêu hãnh ngủ quên từ rất lâu nay chợt giật mình tỉnh giấc”. Chỉ riêng cái tên gọi Lung Ngọc Hoàng đến nay cũng có nhiều giả thiết. Nhiều người cho rằng, Lung là vùng đất trũng, Ngọc Hoàng là đấng siêu nhiên trong suy nghĩ con người.
Lung Ngọc Hoàng là nơi để Ngọc Hoàng nuôi chứa các loại động, thực vật quý hiếm. Người dân địa phương còn kể rằng xưa kia có rất nhiều đàn voi khổng lồ kéo nhau đi qua đây nên để lại những cái ao rộng lớn, lâu ngày biến thành Lung Ngọc Hoàng.
Một số người lại quả quyết cách nay trên 100 năm đã có người sinh sống, lập nghiệp tại Lung, họ thấy nơi này như được trời ưu đãi cho con người, từ đó mới đặt ra tên.
Các giả thiết này chưa biết đúng sai thế nào, nhưng cũng đều khẳng định hồi đầu thế kỷ XX, vùng đất trù phú ấy còn thưa thớt dấu chân người. Điều này đã được nhà văn Sơn Nam – một trong những người con ưu tú của vùng sông nước miền Tây mô tả: Vùng đất Phụng Hiệp ngày xưa là một vùng đất trũng, hoang vu đầy lau sậy, người Pháp gọi là đồng sậy (Plaine des roseaux).
Tương truyền nơi đây có nhiều đàn voi nối đuôi nhau lội từ miệt này qua miệt khác nên mới tạo thành nhiều lung bào, bưng trấp. Theo “Địa chí Cần Thơ”, cách nay trên 120 năm đã có người đặt chân đến Lung Ngọc Hoàng để khai hoang. Trước Cách mạng tháng Tám cũng có nhiều địa chủ đến trồng lúa và khai thác cá. Sau đó chiến tranh tràn tới, họ bỏ chạy ra thành, Lung Ngọc Hoàng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc trong suốt hai thời kỳ kháng chiến.
Ông Lê Văn Sáu, 88 tuổi ngụ ấp Phương Hòa, xã Phương Bình kể lại: “Trước đây, cũng chỉ những năm 1960 thôi, cá và rùa rắn ở đây có rất nhiều, đến nỗi cá lóc mọc râu, cá trê vàng nọng, rùa to đến vài kí, còn cá sặc rằn thì chạy xanh cả nước… Cha ông tôi còn kể lại ngày tôi chưa ra đời, vùng này hoang vu lắm, con người cứ nương vào thiên nhiên mà sống thôi”.
Vùng đất trời ban
Hiện nay, Lung Ngọc Hoàng có nhiều loài chim và một quần thể động vật, thực vật đa dạng với 76 loài chim, 31 loài bò sát, 135 loài chim nước quý hiếm như bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, đà đẩy, vạc, ác là... Cạnh đó còn đang sở hữu 73 loài cá khác nhau tha hồ để du khách tham quan, tìm hiểu.
Sau năm 1975, vùng đất bao quanh khu Lung Ngọc Hoàng được thành lập mô hình nông trường, sau chuyển sang đất lâm nghiệp dần dà trở thành những khu rừng tràm to rộng, những hàng cây bản địa xanh tươi với diện tích trên 2.800 héc ta.
Lung Ngọc Hoàng hiện đang là lá phổi xanh bảo vệ một phần sinh thái đồng bằng, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử của địa phương. Ngày 2/6/2011, Khu bảo tồn được UBND tỉnh Hậu Giang ra Quyết định thành lập, lấy tên là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng.
Đến đây, du khách sẽ bắt gặp khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, những cánh rừng nguyên sinh ngập nước xanh mượt hai bên các dòng kênh nội địa khu bảo tồn. Càng vô sâu khung cảnh càng trở nên hoang dã và thơ mộng.
Thỉnh thoảng chúng tôi lại được đón chào bởi những chú khỉ, vượn trên các cành cây to, các chú cá to lớn bất ngờ từ dưới mặt nước phóng lên cao. Xa xa là những chòi canh cao lừng lững hoạt động ngày đêm để phòng chống nạn cháy rừng lẫn bọn bất lương đến đây đánh bắt thủy sản, khai phá rừng trái phép.
Điều đáng mừng là hiện nay các loài thú, cá quý hiếm như dơi chó, chồn mực, cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng, cá còm... xuất hiện ngày càng nhiều, càng làm cho Lung Ngọc Hoàng tăng thêm sức hấp dẫn với du khách trong tương lai gần.
Trước mắt, Ban Quản lý Khu bảo tồn đang phát triển và mở rộng cảnh quan du lịch ở Phân khu phục hồi sinh thái với tiêu chí không làm thay đổi hiện trạng, bảo đảm hòa hợp với thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Hiện nay, con đường dẫn vào Khu bảo tồn đã tráng xi măng dài 5km, khách tham quan có thể đi bộ, chạy xe 2 bánh hoặc đi xuồng dọc theo các con kênh để khám phá hệ sinh thái ngập nước đặc trưng của ĐBSCL.
Cạnh đó sẽ phục dựng gác kèo ong lấy mật, trồng lại các loại rau rừng, tổ chức nhiều dịch vụ vui chơi giải trí như: Câu cá đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại chỗ, tham quan cây ăn trái, phát triển loại hình đờn ca tài tử để thu hút du khách….
Tuy nhiên, điều trăn trở mà chúng tôi cảm nhận được là sự hiện diện của hàng trăm hộ dân đã sinh sống trong khu bảo tồn hàng chục năm qua chưa được di dời về nơi ở mới dù địa phương đã xây dựng một khu tái định cư rất sạch, đẹp, khang trang cách Khu bảo tồn khoảng 1.000 mét. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ bảo vệ động, thực vật quý hiếm và độ an toàn phòng chống cháy rừng trong Khu bảo tồn chưa thật triệt để.