Kỳ thi tuyển sinh riêng khuyến khích tìm thí sinh phù hợp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức kỳ thi riêng phục vụ công tác tuyển sinh. Việc các cơ sở đào tạo đủ điều kiện có thể tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, nhất là với những trường đại học có tính cạnh tranh cao được khuyến khích để tìm thí sinh phù hợp.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 15/7.
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 15/7.

Phân loại cao

Mới đây, hơn 7.000 thí sinh đã hoàn thành Kỳ thi đánh giá tư duy (ĐGTD) do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là một trong những kỳ thi mà nhiều trường đại học lấy kết quả để xét tuyển và được đánh giá có tính phân loại cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, toàn bộ kết quả của kỳ thi gắn với quá trình xét tuyển, không cần bất kỳ dữ liệu nào khác. Các trường tham gia tự nguyện, chỉ cần đăng ký với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để sử dụng dữ liệu. Trên cơ sở đó, nhà trường công bố dữ liệu kết quả kỳ thi cùng với thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.

“Tuy nhiên, việc trường sử dụng kết quả kỳ thi xét tuyển phụ thuộc vào việc thí sinh có đăng ký xét tuyển vào trường đó bằng phương thức sử dụng kết quả thi ĐGTD hay không. Ngoài ra, các trường không phải đóng góp bất cứ một khoản phí nào” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho hay.

Trao đổi về lộ trình tuyển sinh trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mong sử dụng kết quả Kỳ thi ĐGTD làm nền tảng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn xét đến yếu tố đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nhất là những em không có điều kiện tiếp cận kỳ thi này.

Ngày 17/7, gần 9.000 thí sinh trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi đánh giá tuyển sinh công an nhân dân (CAND). Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Công an tổ chức kỳ thi đánh giá để tuyển sinh vào các trường CAND. Kết quả bài thi chiếm 60% và điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 40% tổng điểm xét tuyển.

Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Đào tạo, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đổi mới tuyển sinh đại học chính quy tuyển mới trong CAND năm 2022 cho biết: Bộ Công an tổ chức kỳ thi đánh giá để các học viện, trường CAND có căn cứ tổ chức tuyển sinh. Với các điều kiện, tiêu chuẩn về tuyển sinh về học lực, hạnh kiểm, phẩm chất đạo đức, chính trị, sức khoẻ, thể lực và điểm thi, Bộ Công an hướng đến lựa chọn những thí sinh có đủ sức khoẻ, kiến thức cơ bản tốt để tiếp thu chương trình bậc đại học.

Cán bộ phục vụ kỳ thi tại Hội đồng thi Học viện Chính trị CAND. Ảnh: Anh Tú.

Cán bộ phục vụ kỳ thi tại Hội đồng thi Học viện Chính trị CAND. Ảnh: Anh Tú.

Tôn trọng quyền tự chủ

Năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức 16 đợt thi đánh giá năng lực (ĐGNL) cho học sinh bậc THPT, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 cho khoảng 70.000 lượt thí sinh. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, đổi mới tuyển sinh theo phương thức ĐGNL là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết. Kết quả thi ĐGNL đạt được mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó/dễ theo khoa học đo lường – khảo thí hiện đại.

Theo đó, trường thành viên/khoa trực thuộc ĐHQGHN hoặc trường ĐH trên cả nước có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học năm 2022. Đối với phương thức này, thí sinh có kết quả bài thi ĐGNL từ 80 điểm trở lên có thể đăng ký xét tuyển. Đến nay, hơn 60 trường đại học trên cả nước đã đăng ký sử dụng kết quả bài thi ĐGNL làm căn cứ xét tuyển.

“Năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội dành tối thiểu 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả bài thi ĐGNL, đối với các ngành/chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, những ngành “hot” có điểm tuyển sinh trên 26 dành 25-30% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức ĐGNL” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức thông tin.

Hiện có nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển hoặc các trường ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển. Dư luận lo ngại xuất hiện tình trạng thi kèm, thi hộ sẽ quay trở lại hoặc có thể những hành vi gian lận khác. TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, với các kỳ thi riêng, có mức độ cạnh tranh cao và kết quả được dùng để xét tuyển vào các trường ĐH lớn cần thắt chặt khâu kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời trường hợp sai phạm, nhất là những trường hợp thi kèm, thi hộ.

Theo đó, giám thị coi thi và giám sát vòng ngoài cần đặc biệt lưu ý và phát huy tinh thần trách nhiệm cao. Các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng quy trình tổ chức thi nghiêm ngặt ở các khâu; đặc biệt là Quy chế thi và đề án tổ chức thi.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, việc tổ chức các kỳ thi riêng của một số trường là nỗ lực rất lớn trong lộ trình thực hiện tự chủ đại học theo luật định. Hàng trăm trường đại học đăng ký sử dụng kết quả của các kỳ thi này để xét tuyển phần nào khẳng định uy tín.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học trao đổi, từ năm 2023, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh riêng, dựa trên các nguyên tắc và yêu cầu tối thiếu quy định trong Quy chế tuyển sinh 2022 mà Bộ GD&ĐT ban hành; trong đó có quy định về xét tuyển cho các hình thức đào tạo khác, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Khẳng định, Bộ GD&ĐT tôn trọng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Bộ khuyến khích các trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi ĐGNL, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo.

Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, cơ sở đào tạo tổ chức thi chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi công tác trước, trong và sau kỳ thi, bao gồm cả trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội về chất lượng đề thi, quy chế thi, đề án tổ chức thi và việc triển khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.