Đây cũng là phương án hợp lý, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, linh hoạt, chủ động trong trạng thái "bình thường mới".
Tổ chức 1 đợt
Ngay sau nhận được thông tin về lịch thi tốt nghiệp THPT 2022, Nguyễn Quốc Khánh - học sinh lớp 12A4, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) mong muốn, kỳ thi được tổ chức thành 1 đợt duy nhất.
Quốc Khánh nhìn nhận: Cả nước đã thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, hơn nữa học sinh được tiêm phủ vắc-xin ngừa Covid-19 nên nếu không may bị F0 thì triệu chứng cũng nhẹ; nhiều bạn còn không có dấu hiệu rõ ràng. “Nếu không may bị F0, chúng em vẫn có thể tham gia kỳ thi. Chúng em có thể ngồi thi ở phòng riêng và áp dụng 5K” - Quốc Khánh nói, đồng thời cho hay: Việc tổ chức thi một đợt sẽ giúp học sinh ổn định tâm lý, thầy cô giáo và nhà trường đỡ vất vả.
Năm 2021, do ảnh hưởng của Covid-19 nên 4 học sinh của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) phải thi ở đợt 2 - Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan bày tỏ: Vẫn biết do yếu tố khách quan mang lại nhưng việc tổ chức kỳ thi thành 2 đợt khiến thầy - trò và nhà trường vất vả, đó là chưa kể việc xét tuyển đại học của thí sinh và cơ sở đào tạo phải kéo dài ngoài mong đợi.
“Chúng ta đã có cách nhìn khác với dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh bình thường mới, mọi hoạt động đã được “mở cửa” nên việc tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT là không cần thiết” - cô Lan trao đổi, đồng thời viện dẫn: Hiện học sinh là F1 vẫn có thể đi học bình thường nên các em dự thi tốt nghiệp THPT cùng một đợt là chuyện đương nhiên.
Theo cô Lan, chúng ta đã từng bước khống chế được dịch bệnh, số học sinh là F0 giảm mạnh, nếu có thì hầu hết triệu chứng rất nhẹ. Vì thế, những em này vẫn có thể tham gia kỳ thi (nếu có nguyện vọng), còn không sẽ được ưu tiên xét tốt nghiệp đặc cách theo Quy chế thi. Tất nhiên, các điểm thi sẽ phải xây dựng kịch bản bảo vệ sức khoẻ cho thí sinh. Chẳng hạn, có thể bố trí để thí sinh F0 dự thi ở phòng riêng hoặc khu riêng.
“Học sinh và giáo viên của trường đều mong muốn địa phương nghiên cứu, xem xét để tham mưu với Bộ GD&ĐT về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành một đợt theo lịch chung mà Bộ đã công bố” – cô Lan cho hay.
Tránh phức tạp
Tại tỉnh Bình Thuận, dự kiến có khoảng 11.000 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh này – cho biết: Toàn bộ học sinh lớp 12 của tỉnh đã được tiêm ít nhất hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Với số lượng F0 giảm mạnh và triệu chứng nhẹ, thậm chí gần như không có nên chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện và kinh nghiệm để tự tin tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 thành 1 đợt thay vì tổ chức thành 2 đợt thi như 2 năm trước.
“Kể cả thí sinh thuộc diện F0, nếu các em có nguyện vọng tham dự kỳ thi cũng nên bố trí, tạo điều kiện để các em tham gia “vượt vũ môn”; trên cơ sở đó, dùng điểm thi để làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học” – đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Thuận nêu quan điểm, đồng thời thông tin: Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh về phương án tổ chức kỳ thi. Giả sử cận ngày thi, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều thí sinh là F0 thì vẫn quyết định tổ chức thành một đợt duy nhất. Theo đó, địa phương sẽ bố trí phòng thi/ khu vực riêng dành cho những thí sinh F0. Tất nhiên, các điểm thi phải lên phương án, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Nhấn mạnh, cả nước đã và đang thích nghi với “trạng thái bình thường mới”; GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – trao đổi: Các ngành đều “mở cửa” và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Với xu hướng này, nếu không có gì đột biến, chắc chắn đến tháng 6, 7, chúng ta còn kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
“Theo tôi, nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp theo tinh thần “bình thường mới”, tránh phức tạp hoặc “đặt nặng” các khâu như trước đây” - GS.TS Nguyễn Hữu Tú nêu quan điểm, đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, tham mưu với Chính phủ để việc tổ chức kỳ thi được gọn nhẹ; tốt nhất là tổ chức kỳ thi thành 1 đợt, bởi nếu tổ chức thành 2 đợt thì không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh mà còn kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh trong công tác tổ chức cũng như xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học. “Tất nhiên, chúng ta vẫn phải dự phòng phương án nếu có tình huống đột xuất xảy ra” - GS.TS Nguyễn Hữu Tú nói.