Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Nằm trong lộ trình đổi mới
Khẳng định phương án chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và hợp lý, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, phương án này nằm trong định hướng lộ trình đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW là "giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực"; đồng thời "làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
"Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã không ít lần đề nghị cần trả kỳ thi THPT về đúng vị trí là: Xét tốt nghiệp THPT và nên giao cho các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức", đại biểu đoàn Đồng Tháp cho hay.
"Theo tôi được biết, tính đến đầu tháng 6, phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để xét tuyển; trong đó không ít trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức này. Như vậy, về bản chất, ý nghĩa của kỳ thi THPT năm nay cũng không thay đổi nhiều so với các năm trước" - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Theo bà Mai Hoa, đây là mô hình thi phù hợp, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng mục tiêu của kỳ thi, tránh nhầm lẫn với kỳ thi "2 trong 1" mà dư luận vẫn băn khoăn. Khi không áp đặt kỳ thi "2 trong 1", nhưng cũng không có quy định nào cấm các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển; đương nhiên các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ hoàn toàn tự chủ trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh theo đúng tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo đại biểu, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT ít nhiều có ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh, phụ huynh và giáo viên cũng như việc lựa chọn phương án tuyển sinh của các trường ĐH.
Do vậy, trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT và các địa phương cần quan tâm, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh; đồng thời bảo đảm an toàn, nghiêm túc, tránh sai phạm để có được kết quả chính xác, làm căn cứ cho các trường đại học tin tưởng, sử dụng tuyển sinh.
Không "đá bóng" trách nhiệm
Ủng hộ phương án huy động cán bộ, giảng viên các trường đại học tham gia vào các đoàn thanh tra của kỳ thi, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, đây là giải pháp hợp lý. Hợp lý vì năm nay là Kỳ thi tốt nghiệp THPT, không còn là Kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu "2 trong 1" như trước đây.
Việc tổ chức thi được giao cho địa phương, thì đương nhiên phải sử dụng lực lượng giáo viên phổ thông tại chỗ tham gia các công đoạn coi thi, chấm thi. Phương tiện di chuyển, bố trí chỗ nghỉ và các điều kiện thiết yếu cho người coi thi, chấm thi sẽ giản tiện hơn nhiều so với việc huy động lực lượng giảng viên đại học tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như những năm trước.
Ngoài ra, việc huy động hơn 6.000 giảng viên đại học tham gia các đoàn thanh tra để thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi chính là giải pháp để hạn chế tiêu cực, sai phạm, bảo đảm tính khách quan, nhằm tăng độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để họ yên tâm sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. "Điều quan trọng hơn cả là phải có cơ chế giám sát chặt chẽ từng khâu, rõ trách nhiệm của từng người trong từng vị trí và xử lý nghiêm mọi sai phạm", bà Hoa nhấn mạnh.
Việc giao Kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương, chính là thực hiện phân cấp trách nhiệm, quyền hạn giữa Bộ chủ quản và các tỉnh, thành phố. Sự "phân vai, phân việc" đã rõ, không còn chồng chéo. Do vậy, lãnh đạo địa phương cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tổ chức triển khai kỳ thi nghiêm túc, an toàn, bảo đảm công bằng, khách quan.
Từng địa phương cần chủ động trong xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện. Rất nhiều việc phải tính đến như phương án, chế độ hỗ trợ, dự phòng về các điều kiện đi lại, ăn ở cho thí sinh; an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch Covid-19; Đồng thời cũng phải tính đến thời tiết, bởi tháng 8 có thể xảy ra lũ quét, mưa lớn, nhất là ở địa bàn miền núi…
Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của người đứng đầu, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi. Theo đó, sai phạm ở địa phương nào, Chủ tịch tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tại địa phương đó phải chịu trách nhiệm; sai phạm ở khâu nào, người trực tiếp phụ trách khâu đó phải chịu trách nhiệm.
"Như vậy, vấn đề quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm không còn là điều khó; càng không còn có chuyện đùn đẩy "quả bóng" trách nhiệm", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
"Cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp, bao gồm cả công tác tuyên truyền để có sự đồng thuận về nhận thức và thống nhất trong hành động; đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của các tổ chức chính trị xã hội, để cùng góp phần làm nên thành công của kỳ thi". - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa