Kỳ thi THPT quốc gia: Miền Tây dành tối đa nguồn lực

GD&TĐ - “Tổ chức kỳ thi chất lượng và an toàn, gắn với trách nhiệm của địa phương”, đó là chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác chuẩn bị Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Thầy, trò lớp 12 vào giai đoạn nước rút Kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Q. Ngữ
Thầy, trò lớp 12 vào giai đoạn nước rút Kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Q. Ngữ

Trọng trách trên vai địa phương

Kỳ thi THPT quốc gia đã cận kề, dư luận cả nước đang tập trung, hướng về kỳ thi nên công tác tổ chức thi không cho phép có sai sót. Đến nay, các địa phương ở ĐBSCL đã hoàn tất khâu chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức thi. Một trong những lưu ý quan trọng được lãnh đạo các tỉnh, thành quan tâm chính là địa phương phải chủ động, chịu trách nhiệm về chất lượng và bảo đảm tổ chức an toàn tuyệt đối kỳ thi.

Đây không phải kỳ thi riêng của một địa phương mà là kỳ thi quốc gia, chỉ một sự cố nhỏ có thể ảnh hưởng đến cả nước. Vì vậy địa phương đã chủ động công tác chuẩn bị, có phương án tổ chức chi tiết, đi cùng với việc tăng cường giám sát để bảo đảm kỳ thi trong sạch, minh bạch. Ngay khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, địa phương đã tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi... Đặc biệt, lực lượng Công an các địa phương sớm được giao nhiệm vụ cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
Tỉnh An Giang, địa phương có địa bàn rộng lớn, dân số đông nhất ĐBSCL, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm. Theo Sở GD&ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia 2019, tỉnh có 37 điểm thi với 670 phòng thi, 21 phòng chờ với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 15.842. Trong đó, số thí sinh thi để xét tốt nghiệp là 1.758; thí sinh tự do đã tốt nghiệp thi lấy kết quả xét tuyển đại học là 533; thí sinh thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học là 13.551. Về nhân sự, tỉnh có 827 cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, học viện phối hợp làm công tác coi thi và thanh tra. Trong đó có 12 lãnh đạo, ủy viên tham gia Hội đồng thi, 670 cán bộ coi thi, 37 phó trưởng điểm, 37 thanh tra tại các điểm thi, 2 thanh tra lưu động và 1 thanh tra trực, còn lại là giám sát vừa là cán bộ coi thi dự phòng. Theo ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, kỳ thi năm nay phải tập trung giải pháp, nguồn lực bảo đảm tính an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả nhân sự làm công tác thi phải nghiên cứu thật kỹ Quy chế thi, tập trung thảo luận nhằm thống nhất các bước, các khâu khi thực hiện quy trình coi thi. Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về kỳ thi, phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm trong quá trình diễn biến kỳ thi. Đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra kỳ thi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật khi thực thi nhiệm vụ. Cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên theo vị trí được phân công tại điểm thi…”, ông Tâm lưu ý.

Dù mỗi địa phương có điều kiện, đặc thù khác nhau nhưng tổ chức thi nghiêm túc là ưu tiên hàng đầu. Đối với chính quyền địa phương, phải chủ động và phải chịu trách nhiệm về chất lượng và bảo đảm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thông đồng sửa điểm các bài thi như ở một số địa phương trong kỳ thi năm ngoái.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo thi, thẳng thắn: “Kỳ thi THPT quốc gia phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả thi phải bảo đảm đúng chất lượng thực tế của đơn vị và có tác động tích cực đến việc dạy và học, cung cấp dữ liệu làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Do đó, phải tăng cường trách nhiệm của cán bộ, giảng viên tại các đơn vị trong khâu tổ chức. Nâng cao chất lượng coi thi, chấm thi và thanh tra thi nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cho địa phương”.

Tạo điều kiện, an toàn nhất tại các điểm thi

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã sẵn sàng về nhân lực, vật lực cho kỳ thi quan trọng này. Trao đổi về công tác chuẩn bị, ông Đoàn Tấn Bửu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo thi cho biết: “Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị, các thành viên trong Ban Chỉ đạo trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các trường đại học, các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát việc tổ chức thi, nhằm tạo điều kiện tốt nhất, an toàn nhất tại các điểm thi”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Đồng Tháp do Sở GD&ĐT chủ trì, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng và Trường ĐH Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) phối hợp. Toàn tỉnh có 30 điểm thi với tổng số 560 phòng thi và 13.146 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 12.081 thí sinh hệ THPT; 569 thí sinh hệ GDTX; 496 thí sinh tự do.

Đến nay, công tác chuẩn bị thi của tỉnh An Giang đã hoàn tất. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo thi: “Để kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối, nghiêm túc và hiệu quả, các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp triển khai nhiệm vụ. Chúng tôi đã phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các sở, ngành cùng phối hợp làm tốt các công tác tổ chức trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi.

Sở Giao thông phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc đảm bảo an toàn giao thông, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn ảnh hưởng đến việc thi của thí sinh; Sở Y tế tăng cường làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Sở Tài chính phối hợp và dự trù kinh phí hỗ trợ tốt cho công tác tổ chức; Công ty Điện lực cần đảm bảo thông suốt lưới điện quốc gia tránh tình trạng mất điện trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi”.

Tỉnh Kiên Giang với đặc thù địa bàn rộng lớn, có đất liền, hải đảo, đồi núi nên tổ chức thi THPT quốc gia phải có kế hoạch cụ thể và có phương án dự phòng. Kỳ thi THPT quốc gia 2019, toàn tỉnh có 12.979 thí sinh dự thi tại 25 điểm thi. Tỉnh bố trí 25 trưởng điểm thi và 50 phó trưởng điểm thi, 63 thư ký, 1.050 cán bộ coi thi, 90 cán bộ giám sát, 125 nhân viên phục vụ. Ban Chỉ đạo thi tỉnh đã phân công các thành viên chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, đồng bộ với ngành Giáo dục.

Ông Đỗ Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo thi cho biết: “Chúng tôi lưu ý các đơn vị làm công tác thi phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Về công tác tổ chức, trước hết là bố trí lực lượng giữ gìn an toàn giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền về kỳ thi; Tỉnh đoàn tiếp tục thực hiện, phối hợp tốt về hỗ trợ cho thí sinh và phụ huynh trong quá trình diễn ra kỳ thi… Trong quá trình thực hiện, phải báo cáo về Ban Chỉ đạo thi khi gặp khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.