Quang cảnh buổi tọa đàm |
Cùng dự buổi tọa đàm có ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), ông Hoàng Minh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Kỳ thi nhận được sự đồng thuận trong nhân dân và xã hội
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Để đưa ra quy chế thi và các phương án thi, Bộ GD&ĐT đã tham khảo và xin ý kiến của các trường, các địa phương, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cả các em học sinh.
Quá trình góp ý từ các nơi đã cung cấp những thông tin để Bộ hiểu những khó khăn, những điều có thể xảy ra ở các địa phương để ban hành một quy chế thống nhất.
Sau khi quy chế được ban hành thì Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức những hội nghị hướng dẫn thực hiện về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn quy chế thi đến các thầy cô giáo, các nhà trường. Đồng thời tuyên truyền giải thích về những vướng mắc của các em học sinh về kì thi sắp tới.
Sau khi tham khảo ý kiến dư luận, Bộ GD&ĐT đã quyết định có 2 loại cụm thi. Cụm thi thứ nhất là cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì cho các em học sinh thi vào đại học, nhằm đảm bảo tính khách quan của kì thi. Cụm thi thứ 2 tại các địa phương dành cho các em học sinh không có nhu cầu, chưa có nhu cầu trực tiếp dùng kết quả của kì thi này để xét tuyển vào đại học.
Những yếu tố đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ đã phân tích thử đề thi của mọi năm, phân tích phổ điểm của kì thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh, thấy rằng nói chung phổ điểm rất tự nhiên, không có tình trạng kết quả giống nhau, tức là nhìn bài của nhau.
Trước kia có ý kiến rằng thì tốt nghiệp là "tháo khoán", bây giờ thì khác rồi. Việc thi cử trong vài năm trở lại đây đã nghiêm túc hơn, việc ra đề thi khoa học hơn, coi thi cũng nghiêm túc hơn trước. Với kết quả như vậy thì kì thi tốt nghiệp cũng đảm bảo hơn, nghiêm túc hơn.
"Bộ GD&ĐT đã chủ trương có các trường đại học cùng tham gia làm thi với các trường phổ thông. Dù cụm thi nào cũng có 2 thành phần, các thầy cô ở trường đại học và các thầy cô ở trường phổ thông. Chỉ khác nhau là cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì, còn cụm thi tại các tỉnh thì do Sở GD&ĐT chủ trì. Chúng tôi áp dụng một quy trình chung, áp dụng đề chung, rồi thanh tra kiểm tra chung giống nhau ở tất cả các cụm" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.
Bộ không công bố cấu trúc đề thi nhưng các giáo viên đã được hướng dẫn xây dựng ma trận đề thi.
Nhiều học sinh đang lo lắng về cấu trúc đề thi và những nội dung cần ôn tập. Trước những lo lắng này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải thích: Từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Năm nào chúng ta cũng làm như thế, mức độ và yêu cầu cơ bản như năm trước, cách thức phân bố nội dung cao thấp như nào đã có sẵn ví dụ từ năm trước.
Bộ không công bố cấu trúc đề thi nhưng các giáo viên đã được hướng dẫn xây dựng ma trận đề thi. Bộ sẽ có minh họa đề thi, nói chung vẫn giống những năm trước. Nội dung ôn tập nằm trong chương trình THPT, vì vậy các thầy cô và các em học sinh không nên lo lắng. Việc ôn tập vẫn diễn ra bình thường.
Các em học sinh không nên lệ thuộc nhiều vào tài liệu tham khảo mà nên bám chắc SGK với sự hướng dẫn của giáo viên để ôn tập kỹ sẽ hiệu quả. Học tốt thì thi sẽ tốt. Tự tin thì cũng sẽ có kết quả thi tốt.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết thêm: Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, với 2 mục đích, vì thế sẽ có 2 nhóm câu hỏi.
Một nhóm tương đương đề thi THPT, bảo đảm những em học sinh trung bình cũng có thể làm được bài và đạt tốt nghiệp. Nhóm thứ 2 tương tự câu hỏi phân loại, giống đề thi ĐH-CĐ.
Hướng đề thi giống như năm 2014. Thí sinh có thể tham khảo đề thi tốt nghiệp và thi ĐH-CĐ năm trước để ôn luyện. Thời gian tới, Bộ sẽ công bố công khai đề thi minh họa để thí sinh được biết.
Trường đại học sẵn sàng chủ trì cụm thi liên tỉnh
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận nhiệm vụ chủ trì một cụm thi tại Hà Nội. Với nhiệm vụ này, lãnh đạo nhà trường trong thời gian qua đã tiến hành nhiều hoạt động để tổ chức kì thi nghiêm túc.
Ông Hoàng Minh Sơn cho biết: Từ nhiều năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhận nhiệm vụ và tổ chức thành công các kì thi tuyển sinh cho nhà trường và mỗi năm có từ 10-20.000 thí sinh tham gia thi tuyển.
Là một trường đại học lớn với điều kiện cơ sở vật chất tốt, trường có thể đảm bảo được yêu cầu về phòng thi cũng như về giám thị, giáo viên chấm thi. Trường cũng đã làm việc với các trường đại học trong khu vực như ĐH Xây dựng, ĐH kinh doanh công nghệ để chuẩn bị về cơ sở vật chất, phòng thi và đội ngũ cán bộ để trợ giúp.
Năm nay số thí sinh có thể cao hơn mọi năm, trường cũng sẽ căn cứ vào số lượng cụ thể để có thể bố trí lực lượng coi thi và phòng thi đầy đủ nhất cho thí sinh.
Nhà trường cũng đã bố trí khoảng hơn 3.000 chỗ trong ký túc xá để cho thí sinh có chỗ ở. Cùng đó, nhà trường sẽ huy động lực lượng sinh viên tình nguyện trợ giúp cho các thí sinh và người nhà đến dự thi như tìm nhà trọ giá rẻ, hỗ trợ phương tiện đi lại...
"Việc tổ chức kì thi cơ bản không có khó khăn vì nhận được sự phối hợp, ủng hộ của các trường" - Ông Sơn bày tỏ.
Về đảm bảo sự công bằng trong công tác chấm thi, ông Sơn cho biết: Chúng tôi nghĩ rằng các trường ĐH đều nhận rõ vai trò của mình trong chấm thi nên sẽ thực hiện nghiêm túc trong công tác chấm thi.
Bộ sẽ ra đáp án, thang điểm, và hướng dẫn chấm thi chi tiết để làm sao giữa các cụm thi chấm sẽ không có sự chênh lệch. Chúng tôi cũng tin tưởng kì thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức, các trường sẽ thực hiện nghiêm túc.