Kết thúc môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhiều thí sinh ở Điện Biên chia sẻ mong muốn đề ngữ văn không cao siêu, trừu tượng mà gần gũi với thực tế cuộc sống.
Cô giáo Lê Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ Văn - Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên chia sẻ:
“Tôi có nhận định về đề thi môn Ngữ Văn như sau: Đề nằm trong chương trình là chủ yếu. Mức độ vừa sức với học sinh, không dễ và cũng không khó. Đề đã chạm đến 1 vấn đề muôn thuở của con người, đó là ý chí và nghị lực.
Thứ hai, câu 5 điểm đề đòi hỏi học sinh phải bàn về hình tượng rất giàu tính thẩm mỹ, đó là hình tượng Sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Thứ 3 nữa, đề có sự phân hóa học sinh rõ nét. Mới đọc đề cứ nghĩ là dễ nhưng thực ra nó lại không phải là dễ đâu, tuy nhiên vẫn vừa sức học sinh. Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nhớ những kiến thức mà thầy cô dạy trên lớp đơn thuần đâu, mà nó còn đòi hỏi học sinh phải có năng lực cảm nhận văn học thật là tốt.
Hình tượng Sông Hương, biết bao nhiêu lời hay ý đẹp thì tác giả đã sử dụng hết rồi. Thế nên nếu mình không viết khéo thì ngôn từ của mình sẽ không bằng ngôn từ của nhà văn, sẽ làm cho dòng sông không còn đẹp nữa. Tức là phải có một khả năng nhất định để tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật theo góc nhìn của học sinh.
Các em phải có vốn ngôn ngữ tốt, giàu tính thẩm mỹ thì mới đáp ứng được yêu cầu của câu hỏi này. Cảm quan, tôi nghĩ đề tốt, rất cơ bản, không đánh đố học sinh, các em sẽ rất thoải mái đấy!’.
Cô giáo Lê Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ Văn - Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên |
“Tôi thấy đề thi môn Ngữ Văn phù hợp với các đối tượng học sinh ở các khu vực. Đề có tính phân hóa ở câu hỏi nghị luận văn học và câu số 4 đọc hiểu. Câu 2 nghị luận xã hội học sinh có thể thoải mái viết theo hiểu biết của mình, về kỹ năng sống của mình.
Nó hoàn toàn phù hợp với các đối tượng học sinh thôi chứ không có gì khó cả. Tôi thấy sau khi thi ra, các em rất tươi cười, phấn khởi, tôi nghĩ đề thi mà Bộ ra rất phù hợp”, cô giáo Vũ Thúy Quỳnh, Giáo viên Trường PT DTNT THPT huyện Mường Nhé (Điện Biên) tâm sự.
Cô giáo Phùng Thị Bích Hạnh, Nhóm trưởng nhóm Văn trường THPT Chuyên Sơn La thì cho rằng cấu trúc đề ổn định. Ở câu số 2 là bài văn hay, tuy nhiên đề thi chưa có tính phân hóa cao.
“Tôi cho rằng câu phân loại học sinh, cảm giác như nó thiếu đất diễn cho học trò. Bài ký rất hay, tôi chờ những phân đoạn đẹp hơn. Mức độ đưa ra 1 đoạn ngắn thì đòi hỏi học sinh rất sâu và chi tiết. Thời gian phân bố hợp lý, vừa sức với số đông học trò, nhưng đối với những học sinh có thế mạnh còn kì vọng hơn thế nữa và mong muốn độ phân hóa cao hơn thế nữa”, cô Hạnh nói.