Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có nhiều đổi mới và thành công

GD&TĐ - Đó là ghi nhận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế - xã hội với tất cả các địa phương trên cả nước, được tổ chức ngày 2/7 tại Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có nhiều đổi mới và thành công

Kỳ thi được cả xã hội chung tay, ủng hộ

Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.

Là một trong những thành viên của Chính phủ được phát biểu tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tập trung nhấn mạnh ba vấn đề:

Thứ nhất: Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã phát huy kết quả đạt được trong năm 2017 và khắc phục một số bất cập, hạn chế. Đặc biệt tăng mức độ phân hóa của đề thi năm nay.

Cho đến nay, kỳ thi đảm bảo mục tiêu đề ra đó là: An toàn, nghiêm túc, khách quan và nhẹ nhàng. Công tác tổ chức kỳ thi được đánh giá là thành công tốt đẹp.

 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng cho biết, được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và đặc biệt sự phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương; Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được tổ chức nghiêm túc trong toàn quốc, được đông đảo nhân dân và địa phương quan tâm ủng hộ nên cơ bản kỳ thi thành công.

Trong quá trình diễn ra kỳ thi có sự cố mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có phương án khắc phục, xử lý. Hiện nay, có 13 học sinh do ảnh hưởng của mưa lũ nên không tham dự được kỳ thi. Địa phương có đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các em và chúng tôi đã đồng ý với chủ trương là xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các em.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các địa phương và các thầy, cô giáo cùng các em học sinh đã quan tâm, ủng hộ để Kỳ thi THPT quốc gia 2018 thành công tốt đẹp.

Thứ hai: Ngày 18/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị và tới đây sẽ nghiệm thu chương trình môn học. Bộ cũng đã xây dựng chương trình bồi dưỡng tập huấn cho các giáo viên theo hình thức cuốn chiếu, để đến năm 2019 sẽ bắt đầu thực hiện đổi mới từ lớp 1. Do vậy Bộ trưởng đề nghị, lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực cũng như chỉ đạo Sở GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất cơ bản cho triển khai chương trình này.

Thứ ba, đó là vấn đề về vệ sinh, công trình nước sạch trong trường học. Đây là những vấn đề Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, các công trình vệ sinh trong trường học xuống cấp rất nhiều. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, trích ngân sách trong dịp hè này, để thầy và trò có công trình vệ sinh, nước sạch đảm bảo điều kiện tối thiểu khi vào năm học mới.

Việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn

Sau phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đổi mới tích cực và thành công của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Riêng về vấn đề công trình vệ sinh, nước sạch, Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm nhà vệ sinh trong trường học trong dịp hè này. Bộ Y tế cũng vậy, không thể để tình trạng hôi thối kéo dài nhiều thập kỷ qua. Việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn với con em chúng ta.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, không chỉ trong trường học, trạm y tế, bệnh viện mà nhà vệ sinh công cộng cũng cần có quyết tâm cao với tinh thần như Thủ tướng nói “việc bé nhưng không bé”.

Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta phải hiểu đúng Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp và tinh giản biên chế, đặc biệt tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các nơi, nhất là giáo viên bậc phổ thông.

Theo Phó Thủ tướng, tùy vào từng ngành, từng môn, từng địa bàn không thể điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác dạy. Do đó, chỗ thừa chúng ta cần có thời gian để chuyển đổi nhưng chỗ thiếu không vì thế mà không tuyển dụng ngay. Về nguyên tắc, chúng ta phải đủ giáo viên để dạy cho học sinh, đấy là chưa kể tiến tới việc học 2 buổi/ngày và giảm sĩ số học sinh/lớp theo đúng tiêu chuẩn thì còn phải tăng nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ