Tuy nhiên, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, không khí ôn tập ở các trường THPT các tỉnh miền núi đã bắt đầu nóng lên.
Mong sớm có đề thi minh họa
Với nhiệm vụ thường xuyên của mình, ngay từ tháng 3/2016, các Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh để đảm bảo tâm thế tốt nhất cho học sinh bước vào kỳ thi. Không khí ôn tập đang nóng lên ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi học sinh là những con em đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.
Là học sinh Trường PTDT -NT tỉnh Lai Châu, em Hoàng Việt Hùng (Lớp 12C4) cho biết, em có nhiều thời gian dành cho ôn tập hơn vào các buổi tự học trên lớp. Thi tự chọn môn Địa lý nên em dành nhiều thời gian để ôn tập môn học này. Ngoài thời gian tự học trên lớp, về phòng ở nội trú, em còn tự học đến 10 giờ tối mới đi nghỉ. Trên lớp, những kiến thức còn yếu, giáo viên tổ chức hỗ trợ cho các em củng cố, đồng thời đưa ra nhiều dạng đề minh họa để học sinh ôn theo.
Hiện nay, công tác ôn thi ở trường được tiến hành ngoài giờ học trên lớp, các em được giáo viên phân nhóm đối tượng để ôn tập, giúp đỡ nhau. Một tuần có nhiều môn ôn tập, trong đó môn Lịch sử có 6 buổi tự ôn. Giáo viên được cắt cử hỗ trợ học sinh. Với các bài kiểm tra đánh giá, nhà trường đã dựa vào ma trận đề để ra đề thi. Ở buổi kiểm tra cuối kỳ, học sinh được ra đề gần giống với đề thi THPT năm 2015 để làm quen với kỳ thi. Còn một bài thi thử nữa vào cuối kỳ 2, các em sẽ được tập dượt với dạng thức thi thử giống với Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 để tập dượt trước.
Cô Đỗ Thị Ái – Giáo viên môn Sử của Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu cho rằng, Bộ cần sớm công bố các đề minh họa để học sinh hình dung dạng thức đề thi. Tiếp đó là sự hỗ trợ giáo viên và thí sinh trong thời gian ôn thi nước rút trước kỳ thi.
Theo Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT tỉnh Sơn La – ông Nguyễn Xuân Tuy, nhà trường đang tổ chức cho học sinh ôn tập theo chương trình chung, mà Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Tuy gọi là ôn “vỡ”.
Theo hình thức ôn tập này, học sinh sẽ được các thầy cô giáo hệ thống lại kiến thức từ năm lớp 10 - 12. Tiếp đó, thời gian tới đây, các học sinh tổ chức đăng kí ôn tập theo định hướng những môn thi tự chọn, nhà trường sẽ tổ chức luyện tập cho các em sâu hơn trong cuối tháng 5, đầu tháng 6. Các bài kiểm tra, thi thử sẽ được tiến hành vào thời gian sau để học sinh có kiến thức sâu hơn, đạt kết quả thi tốt hơn.
Tránh tình trạng khi chưa ôn tập kỹ, cho các em làm bài theo các dạng, kết quả không cao dễ gây tâm lý tiêu cực cho học sinh. Để học sinh làm quen dần với Kỳ thi THPT quốc gia, cuối kỳ 1 vừa qua, nhà trường tổ chức thi theo hình thức thi tốt nghiệp. Có môn thi trắc nghiệm, có môn thi tự luận như quy chế thi năm vừa qua.
Đa dạng các hình thức ôn thi
Theo cô Lương Thị Ngọc – Hiệu trường Trường THPT Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) thì đến hết ngày 25/5, sau khi kết thúc chương trình năm học, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh. Trên cơ sở giao kế hoạch cho các tổ chuyên môn của nhà trường để tổ chức ôn tập, có kế hoạch trợ giúp cho những học sinh có học lực yếu kém.
Qua khảo sát ban đầu những môn được học sinh tại đây lựa chọn là môn Sử, Địa chiếm phần nhiều. Do có nhiều học sinh ở bán trú tại trường, nếu tổ chức ôn tập xong sớm, học sinh nghỉ trở về nhà rất khó để tập hợp các em đi thi. Hiện khó khăn lớn nhất là việc hỗ trợ những học sinh phải di chuyển do ở xa.
Cô Bùi Thúy Ngàn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trùng Khánh cho biết: Các môn thi bắt buộc như Toán, Văn, Ngoại ngữ được nhà trường triển khai ôn tập từ đầu năm học cho học sinh lớp 12. Trung tuần tháng 3/2016, nhà trường tổ chức cho học sinh đăng kí môn thi thay thế Ngoại ngữ, nhiều em đăng kí môn Địa lý làm môn thay thế. Rút kinh nghiệm như trong kỳ thi vừa qua có học sinh bị rơi vào điểm liệt môn Toán, năm nay, cố gắng cho các em học đều để có thể làm bài được hầu hết các môn, tránh điểm liệt.
Về hình thức ôn thi, nhà trường giao cho giáo viên bộ môn phân nhóm đối tượng, phấn đấu ôn tập đạt kết quả cao hơn. Các em đạt điểm 5, 6 phấn đấu thi đạt 7, 8 điểm; học lực dưới trung bình phấn đấu ôn tập để đạt điểm trên trung bình. Đối với học sinh học lực yếu, cố gắng kèm cặp cho các em để không bị điểm liệt ở các môn yếu.
Mỗi giáo viên sẽ nhóm học sinh trong các lớp mình phụ trách ôn tập ngoài giờ theo học lực của học sinh: Khá giỏi tập hợp thành nhóm riêng, yếu và trung bình nhóm riêng để có phương pháp kèm cặp cho từng học sinh trong nhóm nhanh tiến bộ nhất và giao việc, giao bài tập sát đối tượng hơn. Cô Ngàn cho biết thêm: Nhiều năm nay, giáo viên nhà trường được phân công dạy bám lớp theo học sinh từ lớp 10 đến hết lớp 12 nên giáo viên các bộ môn nắm rất chắc học lực của từng em học sinh để có kế hoạch dạy bù, dạy lấp lỗ hổng kiến thức cho học sinh.
Với các môn thi bắt buộc, trong các buổi kiểm tra, đánh giá thường xuyên lớp 12, nhà trường tiến hành thi theo phòng, lấy đề trong ma trận đề và cấu trúc theo các đề minh họa của năm trước đây.
Theo Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai - ông Nguyễn Văn Đông: Ngay từ tháng 2, Sở đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT, TTGDTX về công tác tổ chức ôn tập chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2016. Sở chỉ đạo các nhà trường: Đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng từng môn học. Tiếp tục thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo mới đã thực hiện từ năm học trước. Tăng cường kiến thức ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao phù hợp với đối tượng học sinh. Chú trọng làm bài thi cho học sinh, tăng cường luyện tập, tổ chức thi thử cho học sinh.