Kỳ thi đi qua, những sẻ chia còn đọng lại với vùng biên xứ Thanh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã qua, nhưng tình cảm của cán bộ coi thi, thanh niên tình nguyện vẫn còn đọng lại với thí sinh ở vùng biên xứ Thanh.

Thí sinh kết thúc buổi thi ở Điểm thi THPT Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.
Thí sinh kết thúc buổi thi ở Điểm thi THPT Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.

Mặc dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã khép lại, nhưng những tình cảm của cán bộ coi thi, các thầy cô giáo, Đội viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi năm 2023... ở huyện vùng cao, biên giới Thanh Hóa vẫn lắng đọng trong lòng mọi người.

Sẻ chia những khó khăn với thí sinh

Là ngôi trường thuộc huyện vùng cao, biên giới xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa – Trường THPT Mường Lát có nhiều học sinh là con, em đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, vất vả do điều kiện kinh tế - xã hội đưa lại.

Vì thế, khi chuẩn bị cho những ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra an toàn, đúng quy chế, Ban giám hiệu Trường THPT Mường Lát đã xây dựng nhiều phương án chủ động trong mọi tình huống.

Trong đó, phải kể đến vấn đề chuẩn bị chu đáo nơi ăn, chốn nghỉ cho thí sinh và người nhà các em ở những bản vùng sâu, xa, cao khó khăn về dự thi. Ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện hết sức có thể cho những thí sinh có nguyện vọng nghỉ miễn phí ở Làng học sinh Trường THPT Mường Lát.

Thầy giáo Nguyễn Nam Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, là Phó Điểm thi tại đây cho biết, Làng học sinh hiện nay đã đủ điều kiện ăn, nghỉ dành cho học sinh rất tươm tất. Vì vậy, nhằm giúp thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường đã dành toàn bộ cơ sở vật chất của Làng học sinh để cho thí sinh và người thân nào muốn vào ăn, nghỉ trong những ngày diễn ra Kỳ thi.

Thầy Vũ Ngọc Liêm (phải) và thầy Nguyễn Nam Sơn (trái) vào động viên thí sinh ở Làng học sinh trước khi các em bước vào kỳ thi. Ảnh: Thế Lượng.

Thầy Vũ Ngọc Liêm (phải) và thầy Nguyễn Nam Sơn (trái) vào động viên thí sinh ở Làng học sinh trước khi các em bước vào kỳ thi. Ảnh: Thế Lượng.

Cũng theo thầy Sơn, Công trình Làng học sinh Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) có 30 ngôi nhà sàn. Trong đó, 15 ngôi nhà được đầu tư từ nguồn vốn tổ chức Tere Deshmmer (một tổ chức phi chính phủ của Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ, với số tiền 4,6 tỷ đồng từ năm 2005. Sau khi công trình hoàn thành đã có khoảng 250 học sinh bán trú vào ở, sinh hoạt tại ngôi Làng này.

“Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, nhiều hạng mục bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, năm ngoái, các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện đã xuống khảo sát, tìm hiểu, thống nhất chủ trương đầu tư, tu sửa lại một số hạng mục với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

Từ đầu năm học 2022-2023, Làng học sinh Mường Lát đã được khoác “áo mới” đáp ứng nhu cầu cho học sinh của trường làm nơi ở trong năm học”, thầy Sơn chia sẻ.

Sát cánh cùng các “sĩ tử”

Chiều muộn ngày 27/6, sau khi kết thúc buổi làm thủ tục dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Vũ Ngọc Liêm – Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, Trưởng điểm thi THPT Mường Lát đã vào Làng học sinh thăm hỏi, động viên, dặn dò các em đang nghỉ tại đây.

Ông Liêm cho rằng, thí sinh ở vùng biên giới xa xôi này còn nhiều thiệt thòi hơn so với thí sinh nhiều nơi khác do điều kiện kinh tế - xã hội. Vì vậy, để tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh, ông Liêm và Phó trưởng Điểm thi đã vào thăm, động viên, dặn dò chu đáo các em trước khi bước vào Kỳ thi.

Em Vi Thị Ân, học sinh lớp 12C, Trường THPT Mường Lát, nhà ở bản Xim, xã Quang Chiểu cho biết, do gia đình em ở xa trường (cách hơn 20km), nên em xuống đăng kí được ở trong Làng học sinh để tham dự Kỳ thi cho thuận lợi.

Thí sinh nhận suất ăn sáng miễn phí do các Thanh niên tình nguyện hỗ trợ ở Làng học sinh Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.

Thí sinh nhận suất ăn sáng miễn phí do các Thanh niên tình nguyện hỗ trợ ở Làng học sinh Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.

“Chúng em rất cảm ơn các thầy giáo đã vào tận nơi ở của chúng em để động viên, khích lệ tinh thần và dặn dò thật chu đáo. Các thầy dặn chúng em không thức khuya, giữ gìn sức khỏe để sáng hôm sau dậy sớm đến điểm thi. Thầy cũng dặn dò các em cách tự tạo cho mình tâm lý thoải mái khi bước vào làm bài thi...

Đặc biệt, thầy còn dặn chúng em sáng mai dậy sớm, nhận khẩu phần ăn sáng miễn phí do Đội Thanh niên tình nguyện của Huyện đoàn hỗ trợ cho những bạn nào cần”, em Ân tâm sự.

Ngoài sự quan tâm của cán bộ làm nhiệm vụ kỳ thi, thì trong những ngày diễn kỳ thi ra ở vùng biên giới đầy nắng và gió ấy, còn có hàng chục Đội viên tình nguyện do Huyện đoàn Mường Lát tổ chức, đã miệt mài tham gia Chương trình “Tiếp sức mùa thi 2023”.

Bí thư Huyện đoàn Mường Lát - Lâu Văn Phía, cho biết: Nhằm hỗ trợ các thí sinh trong những ngày thi, mỗi buổi sáng, Đội tình nguyện viên của Huyện đoàn đã nấu xôi (mỗi bữa 30 kg gạo nếp), để kịp giờ phát xôi kèm ruốc bông, giò, xúc xích cho thí sinh nào muốn ăn sáng miễn phí.

Ngoài ra, lực lượng Thanh niên tình nguyện cũng hỗ trợ sữa tươi, nước uống và liên hệ nơi ở miễn phí cho những thí sinh nào có nhu cầu.

“Không chỉ hỗ trợ cho các bạn thí sinh nghèo, Đội tình nguyện còn cung cấp suất ăn sáng (xôi giò, ruốc bông, hoặc xúc xích và sữa tươi) cho nhiều phụ huynh của thí sinh ngồi ở ngoài cổng trường chờ đợi con, em mình vào thi.

Có nhiều phụ huynh của thí sinh khi nhận được những suất ăn sáng, họ đã xúc động thật sự. Việc làm của Đội tình nguyện viên dù vật chất không nhiều, nhưng lại có giá trị về tinh thần rất có ý nghĩa.

Chúng tôi cho rằng, những việc làm nhỏ bé của Đội tình nguyện viên trong kỳ thi vừa qua đã khích lệ tinh thần rất lớn cho thí sinh lẫn những phụ huynh nghèo đưa con đến dự thi”, anh Phía tâm sự.

Thanh niên tình nguyện ở huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) tặng sữa tươi và xôi cho phụ huynh thí sinh ăn sáng trong lúc chờ con, em vào dự thi. Ảnh: Thế Lượng.
Thanh niên tình nguyện ở huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) tặng sữa tươi và xôi cho phụ huynh thí sinh ăn sáng trong lúc chờ con, em vào dự thi. Ảnh: Thế Lượng.

Em Hà Thị Dịu, lớp 12D, nhà ở bản Chiềng Cồng, thị trấn Tén Tằn (Mường Lát), chia sẻ: “Chúng em được nhà trường bố trí nơi ở miễn phí tại Làng học sinh. Vì vậy, chúng em góp tiền lại với nhau mua thực phẩm về tự nấu ở bếp ăn.

Buổi sáng, nếu bạn nào không muốn nấu bữa sáng, thì tự đi ăn ở ngoài, hoặc nhận khẩu phần ăn miễn phí do Huyện đoàn tổ chức ngay tại khuôn viên của Làng. Những ngày dự thi, có nơi ăn, chốn nghỉ như vậy, em rất yên tâm và bố, mẹ em cũng không phải lo lắng gì nhiều”.

Thí sinh Vàng Thị Phượng, nhà ở bản Cá Giáng xã Trung Lý, cách trường hơn 80km, nên em đã chủ động đến đăng ký được ở Làng học sinh trong những ngày diễn ra kỳ thi.

“Nhà em ở bản Cá Giáng, xã Trung Lý. Nếu đi đường bộ, thì vòng vèo khoảng hơn 80km. Trong những ngày thi, em được các thầy, cô giáo nhà trường tạo điều kiện cho ở trong Làng học sinh Mường Lát.

Em cũng được các anh, chị và các bạn thanh niên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” hỗ trợ nước uống, sữa tươi, đồ ăn sáng miễn phí. Chúng em rất biết ơn sự quan tâm của các thầy, cô giáo và anh, chị cùng các bạn trong đội tình nguyện viên đã giúp em an tâm trong những ngày tham dự kỳ thi” , em Phương tâm sự.

“Tại điểm thi THPT Mường Lát có 301 TS, trong đó có 236 TS của Trường THPT Mường Lát; 30 TS của Trung tâm GDNN - GDTX Mường Lát và 35 TS tự do. Trong số TS tham dự kỳ thi năm nay tại Trường THPT Mường Lát, có 90 TS người dân tộc Mông, còn lại là TS người Thái, Mường, Dao và dân tộc Kinh. Có 1 TS (của Trung tâm GDNN-GDTX Mường Lát) bỏ thi; 1 TS khuyết tật thuộc diện miễn thi tốt nghiệp.

Kỳ thi diễn ra rất an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và không có thí sinh, hay cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi”, ông Vũ Ngọc Liêm – Trưởng điểm thi THPT Mường Lát (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.