Kỳ Sơn (Nghệ An): Giáo viên muốn nghỉ hè phải... chi tiền?

GD&TĐ - Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bức xúc phản ánh việc muốn nghỉ hè trọn vẹn phải nộp tiền nhờ người trực hè hộ. Phòng GD&ĐT huyện đã yêu cầu nhà trường giải trình và cá nhân hiệu trưởng tự kiểm điểm, đồng thời hoàn trả tiền cho giáo viên.

Một góc bản làng tại xã biên giới Na Loi
Một góc bản làng tại xã biên giới Na Loi

Giáo viên nộp tiền để nhờ người trực hè hộ

Vừa qua, một số giáo viên đang công tác tại Trường Phổ thông DTNT - THCS Na Loi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), phản ánh về việc trong 2 tháng hè vẫn phải thay phiên trực trường. Những giáo viên ở xa nếu muốn nghỉ trực để được nghỉ trọn 2 tháng hè thì phải nộp tiền trực trường 100.000 đồng/người.

Thông tin này sau đó được ông Nguyễn Thế Hiền – Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Na Loi xác nhận. Theo đó, lý do giáo viên phải trực hè là do nhà trường không có bảo vệ nên trường đã phân công nhiệm vụ này cho cán bộ, giáo viên. Trong 2 tháng hè, sẽ có 8 ca trực. Nhiều giáo viên của trường muốn nghỉ hè trọn vẹn nên đã đồng ý nộp tiền cho giáo viên ở địa phương trực thay. Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường đương nhiên phải trực, hiệu trưởng và hiệu phó chia nhau trực mỗi người một tháng.

Theo báo cáo giải trình và bản tự kiểm điểm của cá nhân hiệu trưởng, có việc mỗi giáo viên đóng góp 100.000 đồng trước khi nghỉ hè. Trong đó, số tiền trực bảo vệ là 50.000 đồng. Còn 50.000 đồng để lại, đến trước ngày 31/7/2019, khi cán bộ giáo viên trả phép, nhà trường thuê dân bản mang máy đến cắt cỏ, dọn vệ sinh để giáo viên không phải cuốc cỏ. Việc này đã được đem ra biểu quyết trước hội đồng nhà trường, cán bộ giáo viên nhất trí 100%, kết quả thu được 2,5 triệu đồng.

Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi đóng tại xã biên giới Na Loi, huyện miền núi Kỳ Sơn. Đây là địa bàn khó khăn, học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú. Trường cách xa trung tâm huyện hoảng 50km đường núi quanh co, trong đó có nhiều đoạn đường đất, dốc đá nguy hiểm. Giáo viên trong trường ngoài số ít là người bản địa, phần đông ở xa nhà. Nhiều giáo viên từ miền xuôi lên đây dạy học, phải gửi con cái lại cho ông bà ở quê chăm sóc. Nhiều giáo viên chia sẻ không ngại khổ, ngại khó, nhất là đối với trường dân tộc bán trú, các thầy cô càng phải có trách nhiệm dành thời gian chăm sóc, giám sát, quản lý, dạy bảo học sinh.

“Điều thiệt thòi nhất là phải xa con, ngày khai giảng, lễ tết hay tổng kết năm học, mẹ phải lo cho học sinh ở trường mà không có thời gian để ở bên con”, một giáo viên tâm sự.

Trong năm, chỉ có nghỉ hè và nghỉ tết là dịp mà các thầy cô có nhiều thời gian để về với gia đình. Vì thế, nhiều người chấp nhận bỏ ra một khoản tiền để nhờ người trực hè hộ.

Chỉ đạo trả lại tiền cho giáo viên

Ông Phan Văn Thiết – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau khi nhận được thông tin tại Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi về việc giáo viên muốn nghỉ hè phải nộp tiền trực trường, phòng đã yêu cầu hiệu trưởng làm báo cáo giải trình cụ thể, chi tiết.

Theo báo cáo giải trình và bản tự kiểm điểm của cá nhân hiệu trưởng, có việc mỗi giáo viên đóng góp 100.000 đồng trước khi nghỉ hè. Trong đó, số tiền trực bảo vệ là 50.000 đồng. Còn 50.000 đồng để lại, đến trước ngày 31/7/2019, khi cán bộ giáo viên trả phép, nhà trường thuê dân bản mang máy đến cắt cỏ, dọn vệ sinh để giáo viên không phải cuốc cỏ. Việc này đã được đem ra biểu quyết trước hội đồng nhà trường, cán bộ giáo viên nhất trí 100%, kết quả thu được 2,5 triệu đồng.

Sau khi giải trình với Phòng GD&ĐT, ông Nguyễn Thế Hiền - Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Na Loi đã nhận rõ trách nhiệm, khuyết điểm của mình. Đồng thời chỉ đạo kế toán, thủ quỹ của nhà trường thông báo cho 25 cán bộ, giáo viên đến gặp lại thủ quỹ để nhận lại số tiền đã nộp.

“Đây là sự việc chưa xảy ra trong tiền lệ của ngành GD-ĐT huyện Kỳ Sơn. Phòng sẽ tiến hành họp lãnh đạo, họp Hội đồng kỷ luật để xem xét. Nếu vi phạm đến mức độ nào thì xử lý đến mức độ đó theo quy định hiện hành. Tuyệt đối không bao che dung túng. Phòng GD&ĐT cũng đã gửi báo cáo về sự việc đến Sở GD&ĐT Nghệ An”, ông Phan Văn Thiết cho hay.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28, Luật Lao động: “Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”. Thông tư 15 sửa đổi nội dung trên cũng nêu rõ: “Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.

Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An trao đổi: Việc giao cho giáo viên thực hiện trực trường trong thời gian nghỉ hè là không đúng theo Luật Lao động và quy định của Bộ GD&ĐT. Các nhà trường trong dịp hè cần có kế hoạch, sắp xếp bộ phận nhân sự có nhiệm vụ thực hiện việc trực trường gồm hiệu trưởng, hiệu phó và cán bộ văn phòng. Còn giáo viên được nghỉ phép trong 2 tháng hè.

Về sự việc của Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi, ông Hải cho biết, không trực tiếp nhận báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn nhưng Công đoàn ngành đã nắm thông tin sự việc, đồng thời có báo cáo với Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục – Bộ GD&ĐT. Hiện, sự việc đã được xử lý, lãnh đạo nhà trường cũng đã nhận khuyết điểm có thông báo trả lại tiền cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ