Các đại biểu tham gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.Nguyễn Lương Ngọc. Ảnh: gdtd.vn |
GS.Nguyễn Lương Ngọc sinh ra trong một gia đình công chức có tinh thần yêu nước, quê ở làng Áng Sơn, xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Từ bé, ông theo gia đình học ở Hà Nội, tốt nghiệp trường Bưởi vào đúng thời kỳ kinh tế khủng hoảng tìm việc khó khăn, ông phải làm đủ việc để sống, về sau tham gia thành lập trường tư thục Gia Long và dạy học ở đó cho đến năm 1945.
Năm 1949, ông được cử lên Việt Bắc làm Phó Hiệu trưởng trường Sư Phạm trung cấp trung ương đóng ở Chợ Rạng, Phú Thọ. Năm 1951, Ông được cử vào làm Phó giám đốc giáo dục Liên khu IV, tham gia giảng dạy trường dự bị Đại học Văn hoá ở Thanh Hoá, tiếp đó làm Giám đốc giáo dục Liên khu IV.
Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết cuối 1954, ông về Hà Nội giảng dạy ở Đại học Văn khoa. Từ 1963 đến 1967, GS được cử làm Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, tiếp đó GS làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội I (1967-1975).
Trong suốt cuộc đời của mình, GS Nguyễn Lương Ngọc, ngoài việc tham gia công tác văn hoá, văn nghệ với những đóng góp đáng quý, đã cống hiến nhiều công sức cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Là nhà nghiên cứu lý luận và giảng dạy văn học, GS Nguyễn Lương Ngọc là người đầu tiên biên soạn giáo trình lý luận văn học theo quan điểm mácxit với cuốn Sơ thảo nguyên lý văn học, tiếp đó biên soạn 2 tập Mấy vấn đề nguyên lý văn học, trình bày những vấn đề lý luận về tác phẩm, thể loại và phương pháp sang tác trong văn học.
Trong thời gian làm chủ nhiệm khoa Văn-Sử, - (Trường ĐHSP Hà Nội) GS. Nguyễn Lương Ngọc là người có công trong tổ chức biên soạn toàn bộ giáo trình Văn học Việt Nam, Văn học Trung Quốc, Văn học Nga-Xô viết, Văn học phương Tây,…qua đó đào tạo và nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học cho cán bộ giảng dạy. Cũng trong thời gian này, GS còn tham gia biên soạn Từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh các trường phổ thông…Là cán bộ giảng dạy lý luận văn học, GS vừa viết giáo trình, vừa thường xuyên chú ý đến cải tiến phương pháp dạy và học, thường sử dụng “phương pháp nêu vấn đề” trong dạy học, khắc sâu các khái niệm bằng thực tiễn văn học trong nước và thế giới, làm cho sinh viên nắm chắc các nguyên lý văn học, gắn liền thực tiễn văn học với lý luận...
Hiếu Nguyễn