Tham dự Lễ kỷ niệm có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Đại sứ các nước Algeria, Iran, Lào và đại diện một số cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.
Ngày 4/5/2007, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam quyết định thành lập Tổng Công ty PVEP trên cơ sở hợp nhất Công ty Đầu tư-Phát triển dầu khí (PIDC) và Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP). Đây là một bước đi chiến lược nhằm tập trung nguồn lực trong lĩnh vực hoạt động cốt lõi thăm dò khai thác dầu khí, nâng cao tính chủ động và năng lực cạnh tranh để PVEP trở thành công ty dầu khí quốc tế, có hoạt động cả ở trong nước và nước ngoài.
Trong 10 năm qua, tập thể cán bộ công nhân viên PVEP đã nỗ lực phấn đấu và gặt hái được những kết quả quan trọng, qua đó khẳng định năng lực và tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành các dự án dầu khí, khả năng làm chủ công nghệ, khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành kỹ thuật phức tạp.
Hiện, PVEP có 18 dự án/mỏ đang trong giai đoạn phát triển và khai thác ở trong và ngoài nước. Trong năm 2016, tổng số giếng khoan phát triển khai thác được thi công là 4 giếng, sửa chữa 5 giếng, cơ bản bảo đảm an toàn, tiến độ và chi phí. PVEP đã nỗ lực để đưa vào khai thác đúng tiến độ Dự án Sư tử Trắng và triển khai Dự án Thu gom khí Đại Hùng-Thiên Ưng; trong đó, Dự án Sư tử Trắng đã tiết kiệm được 70 triệu USD so với ngân sách được phê duyệt.
Bên cạnh đó, PVEP đã tích cực đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, tăng cường tự lực tự chủ trong tìm kiếm, đánh giá và triển khai các cơ hội, dự án đầu tư ở cả trong nước và nước ngoài. Đến năm 2017, PVEP đã khai thác trên 55,9 triệu tấn quy dầu, gia tăng trữ lượng trên 230,5 triệu tấn quy dầu.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Theo báo cáo, tổng tài sản của PVEP đạt gần 150.000 tỷ đồng, tăng 5 lần so với năm 2007. Tổng doanh thu đạt trên 464.000 tỷ đồng, tổng nộp Ngân sách Nhà nước đạt 214.000 tỷ đồng. Liên tục trong 7 năm liền, PVEP đứng trong Top 10 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Đặc biệt, thông qua hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, PVEP đã có đóng góp quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, ngành dầu khí nói chung, trong đó có PVEP vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Việc tìm kiếm, khai thác tại một số dự án xa bờ chưa hiệu quả; một số dự án đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp, rủi ro cao; năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế.
Những mặt hạn chế này, cùng với việc giá dầu giảm sâu trong thời gian dài đã tác động xấu đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVEP cả trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh chung của cả Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đến việc nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp và đến chính đời sống của người lao động. Đồng thời, đây cũng là những thách thức rất lớn, và nếu không có các giải pháp toàn diện, mạnh mẽ để khắc phục triệt để sẽ tiềm ẩn rủi ro đến hoạt động của PVEP trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Cao Hữu Bình - Phó Tổng Giám đốc PVEP và ông Cù Xuân Bảo - Tổng Giám đốc Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Nỗ lực thực hiện chỉ tiêu sản lượng khai thác được giao
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của Tổng Công ty PVEP cũng như của các đơn vị tiền thân đối với sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, cần tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp tổ chức, kỹ thuật để triển khai hiệu quả công tác thăm dò, thẩm lượng tại các lô do PVEP tự điều hành, tham gia điều hành chung và tại các dự án dầu khí có vốn góp của PVEP ở trong và ngoài nước.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị; thực hiện đúng tiến độ, an toàn và có hiệu quả các dự án đầu tư được duyệt; chủ động chịu trách nhiệm thu xếp vốn để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định hiện hành; thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát an toàn và bảo vệ môi trường tại các lô thăm dò, khai thác dầu khí hiện có.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, PVEP cần nghiên cứu, rà soát để có các biện pháp, giải pháp đồng bộ, quyết liệt thực hiện việc tái cơ cấu bộ máy quản lý, tổ chức hoạt động, phân công, phân bổ nguồn lực, nhân lực hợp lý, khoa học; tích cực nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Doanh nghiệp cũng cần chú trọng công tác xây dựng tổ chức, quan tâm xây dựng Đảng, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên là một tập thể đoàn kết; nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, phát huy truyền thống và thế mạnh về đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tập trung thực hiện giải pháp đào tạo đội ngũ nhân lực, chuyên gia đáp ứng trình độ quốc tế, tham gia thị trường cung cấp nhân lực chất lượng cao ngành dầu khí trên bình diện toàn cầu.
Một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý PVEP là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Quốc phòng để tham gia, hỗ trợ và triển khai công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động dầu khí trên Biển Đông trong tình hình mới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển để lồng ghép hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí với công tác thăm dò tài nguyên môi trường biển, đặc biệt tại các vùng biển sâu, xa bờ.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu PVEP và các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp, phấn đấu khai thác vượt 1 triệu tấn so với kế hoạch năm 2017 đã được Chính phủ giao trên tinh thần tiết kiệm, nâng cao hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được Chính phủ giao cho ngành dầu khí nói chung, trong đó có Tổng Công ty PVEP nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.