'Kỳ nhân' chữa tim bẩm sinh

GD&TĐ - Nhiều đồng nghiệp gọi TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM là kỳ nhân.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (thứ 2 từ phải sang) cùng bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa San Donato (Ý) vào tháng 5/2017, sau khi can thiệp thành công một ca bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: NT
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (thứ 2 từ phải sang) cùng bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa San Donato (Ý) vào tháng 5/2017, sau khi can thiệp thành công một ca bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: NT

Nhiều đồng nghiệp gọi TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM là kỳ nhân. Gọi thế cũng đúng, vì cho đến nay anh đã thực hiện hơn 17.000 ca can thiệp tim bẩm sinh. Kỳ tích mới đây nhất của anh là góp phần làm nên thành công ca can thiệp bào thai chữa dị tật tim bẩm sinh đầu tiên tại Đông Nam Á.

Máu nghề giáo trong người

Tính đến năm 2024, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín tròn 26 năm làm công việc “trồng người” trong vai trò giảng viên chính Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Nhìn lại 1/4 thế kỷ trôi qua, anh vẫn nhớ rõ lý do tại sao mình lại chọn con đường kép: Thầy giáo và thầy thuốc. “Nếu chỉ làm thầy thuốc thì thật đơn giản. Nhưng tôi chọn thêm công việc giảng dạy vì có máu nghề giáo chảy trong người. Có lẽ một phần gia đình tôi có truyền thống dạy học. Cha và hai anh là giáo viên phổ thông và giảng viên đại học”, bác sĩ Tín chia sẻ.

Khi làm cùng lúc hai công việc thì phải cực hơn. Một ngày của anh tất bật từ sáng đến chiều tối. Có khi người ta thấy anh vào lab can thiệp tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 giải quyết một ca bệnh khó.

Tại đây anh vừa làm, vừa truyền nghề cho các bác sĩ trẻ. Rồi giữa hai ca bệnh, anh có mặt trong phòng giao ban của khoa, tranh thủ giảng dạy cho các bác sĩ chuyên khoa 1. Chưa kể anh còn về trường, lên giảng đường để chia sẻ kiến thức cho các sinh viên năm cuối.

Một tháng đôi lần, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín lại lên đường chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện trong và ngoài nước, chia sẻ kiến thức và kỹ năng thực hành để các đồng nghiệp cũng làm được như mình.

Trong nước không kể, nhưng các quốc gia mà anh từng đặt chân đến thì lên đến vài chục quốc gia. Từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Myanmar, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Iran, đến các nước xa hơn như Ý, Đức, Anh, Úc, thậm chí rất xa như Nam Phi, Sudan của châu Phi.

Không giấu nghề, không giấu thất bại

Có không ít những người giấu nghề để bảo vệ lợi ích của mình, hoặc chỉ nói đến thành công mà che giấu thất bại cá nhân để giữ hình ảnh lung linh. Nhưng bác sĩ Đỗ Nguyên Tín lại có chọn lựa khác. Muốn học trò thành công nên bác sĩ Đỗ Nguyên Tín không chọn cách giấu nghề.

“Ở thời đại 4.0 này, có giấu nghề cũng khó lắm. Đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất của người thầy. Người trồng cây nào cũng vui mừng khi nhìn thấy cái cây mà mình trồng mỗi ngày một cao lớn hơn, rồi đơm hoa, kết quả”, bác sĩ Tín nói.

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Bình, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một tên tuổi của ngành tim mạch Việt Nam từng nhận xét: “Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín là một tài năng thật sự. Trong chuyên ngành can thiệp tim bẩm sinh Việt Nam, có thể xem anh ấy là nhân vật hàng đầu”.

Các học trò vừa ngưỡng mộ và vừa sợ anh vì sự khó tính và nghiêm khắc của người thầy. Một bác sĩ (giấu tên) làm việc tại một bệnh viện ở TPHCM chia sẻ: “Hồi học y khoa, mỗi lần thi chúng tôi ai bắt thăm trúng phần trả lời vấn đáp của bác sĩ Tín đều xanh mặt vì có nhiều khả năng phải thi lại”.

Có lẽ nhờ sự khó tính và nghiêm khắc này mà nhiều học trò của bác sĩ Đỗ Nguyên Tín giờ đã thành danh. Không ít người đang đảm nhiệm vai trò quản lý khoa, phòng của nhiều bệnh viện lớn.

Bác sĩ Tín đang hướng dẫn và theo dõi khi siêu âm tim cho bệnh nhi vừa được can thiệp bẩm sinh trong bào thai thành công. Ảnh: Cẩm Anh

Bác sĩ Tín đang hướng dẫn và theo dõi khi siêu âm tim cho bệnh nhi vừa được can thiệp bẩm sinh trong bào thai thành công. Ảnh: Cẩm Anh

Cần nhiều thầy thuốc trẻ dấn thân

Dù bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng cứ 1-2 tháng, trong vai trò Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TPHCM, bác sĩ Tín lại dẫn các bác sĩ trẻ đi tầm soát bệnh tim bẩm sinh miễn phí ở những vùng sâu, vùng xa.

Trong hai năm 2022 và 2023, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín đã có gần 20 chuyến đi như thế: Bến Tre, Bạc Liêu, Tây Ninh, Bình Dương, Phú Yên, Đắk Nông, Quảng Ngãi. Mỗi chuyến đi 2 - 3 ngày, di chuyển bằng đường bộ vất vả, nhưng anh lại xem đây là một trong những hình thức giáo dục y khoa hiệu quả nhất.

Bác sĩ Tín tâm sự: “Tôi xuất thân từ gia đình nghèo và từng trải qua những năm tháng cơ cực nên hiểu được nỗi khổ của những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa. Tôi tâm niệm, thay vì ngồi một chỗ chờ bệnh nhân đến thì mình và học trò phải tìm đến với bệnh nhân, thực hiện phương châm: Mỗi trẻ em Việt phải được tầm soát bệnh tim ít nhất một lần trong đời”.

Từ những chuyến đi này, bác sĩ Tín và các học trò đã phát hiện được hàng trăm trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh bỏ sót ngoài cộng đồng, tạo điều kiện cho người nhà đưa trẻ về những trung tâm tim mạch chuyên sâu của TPHCM để được điều trị miễn phí.

“Cách làm này gọi là dấn thân. Bác sĩ trẻ cứ suốt ngày làm việc ở bệnh viện, không thấy được cuộc sống thật bên ngoài thì làm sao họ thấu hiểu được nỗi khổ của bệnh nhân. Riết rồi họ vô cảm, nảy sinh tâm lý ban phát và cho mình được quyền nạt nộ, quát mắng bệnh nhân. Cần cho họ ra ngoài nhiều hơn, nhất là đến những địa phương xa xôi. Có chứng kiến tận mắt cuộc sống cơ cực của người dân thì họ mới có cái nhìn bao dung, thấu cảm với bệnh nhân và từ đó mới yêu thương bệnh nhân thật sự”, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín nêu quan điểm.

“Có những bài học chúng ta không thể rút ra từ sai lầm của mình mà phải học được từ những lỗi của người khác để không phạm phải”, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.