Phát biểu tại lễ tấn phong, Vua Charles III bày tỏ: “Tôi nhận thức sâu sắc sự kế thừa to lớn này và những bổn phận, trách nhiệm nặng nề được trao cho tôi hôm nay. Tôi sẽ cố gắng noi theo tấm gương đầy cảm hứng trong việc duy trì chính phủ hợp hiến và tìm kiếm hòa bình, hòa hợp, thịnh vượng của các dân tộc trên những hòn đảo này cũng như Vương quốc Thịnh vượng chung”.
Như vậy, triều đại Nữ hoàng Elizabeth II đã kết thúc và Vua Charles III sẽ viết tiếp kỷ nguyên tiếp theo với nhiều thay đổi lẫn thách thức.
Sau khi được tấn phong tại Anh, Vua Charles III cũng chính thức trở thành nguyên thủ quốc gia tại Australia, New Zealand và hơn 10 vương quốc trong Khối Thịnh vượng chung. Nhà vua có nghĩa vụ duy trì quan điểm khách quan về chính trị nên Vua Charles III giờ đây sẽ phải cẩn trọng hơn khi bày tỏ những suy nghĩ cá nhân của mình.
Tính cách Vua Charles III được đánh giá là có nhiều khác biệt so với mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II. Nữ hoàng luôn đứng ngoài các vấn đề chính trị và hiếm khi thể hiện ý kiến cá nhân trước các vấn đề gây chia rẽ.
Trong khi đó, vào sinh nhật lần thứ 70, Vua Charles III, thời điểm đó đương là Thái tử, thừa nhận bản thân từng không ít lần can thiệp vào chính trị Anh. Ông cũng từng bí mật gửi 27 bức thư tới các bộ trưởng trong Chính phủ Anh để bày tỏ quan điểm cá nhân về chính trị. Nhưng ông cam kết sẽ không thể hiện quan điểm cá nhân của mình trong các vấn đề chính trị gây tranh cãi khi trở thành vua.
Tuy nhiên, Vua Charles III có thể sẽ tiếp tục đấu tranh cho những vấn đề mà ông quan tâm suốt nhiều thế kỷ qua như môi trường, bảo tồn động vật hoang dã... Đây cũng là nhận xét của Cựu Thủ tướng Anh David Cameron.
Là Thủ tướng Anh từ năm 2010 đến năm 2016, ông Cameron chia sẻ: “Tôi chưa từng cảm thấy Vua Charles III cố gắng gây ảnh hưởng lên mình bất cứ lúc nào. Nhưng tôi cho rằng, người thừa kế ngai vàng hoàn toàn có quyền quan tâm đến các vấn đề như môi trường, bảo tồn động vật hoang dã”.
Cựu Thủ tướng cho rằng, triều đại của Vua Charles III sẽ đầy hứa hẹn bởi khác với mẹ, Thái tử Charles lớn lên khi biết mình sẽ trở thành vua. Ông có quãng thời gian khá dài để suy nghĩ về điều này và cách thực hiện nó.
Dù vậy, Vua Charles III sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là việc vượt qua “cái bóng” của Nữ hoàng Elizabeth II.
Phần lớn người dân Anh mới chỉ trải qua triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II nên không thể nhớ bất kỳ ai đã trị vì theo cách khác. Chưa kể trong 70 năm qua, Nữ hoàng Elizabeth II đã có nhiều chuyến thăm đến các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung, từ đó củng cố nguồn sức mạnh mềm và thúc đẩy ảnh hưởng ngoại giao của Vương quốc Anh. Thế giới đã quen với hình ảnh của nữ hoàng trong bảy thập niên qua.
Ngoài ra, cuộc tranh luận về việc duy trì chế độ quân chủ như biểu tượng của sự thống nhất quốc gia có thể trở lại trong triều đại của Vua Charles III. Nhiều người xem đó là biểu tượng thống nhất quốc gia nhưng cũng có những người coi đó là tàn tích của chế độ phong kiến. Thách thức của Vua Charles III là phải duy trì sự ủng hộ với hoàng tộc và thể chế quân chủ.