Kỹ năng viết trong Chương trình mới

GD&TĐ - Trong Chương trình GDPT môn Ngữ văn năm 2018, viết được xác định là một trong bốn kỹ năng quan trọng.

Dạy học theo hướng phát triển năng lực môn Ngữ văn lớp 12 Trường THCS – THPT Hai Bà Trưng (TPHCM). Ảnh minh họa: INT
Dạy học theo hướng phát triển năng lực môn Ngữ văn lớp 12 Trường THCS – THPT Hai Bà Trưng (TPHCM). Ảnh minh họa: INT

Qua đó góp phần hình thành cho học sinh năng lực ngôn ngữ và văn học – hai năng lực đặc thù của môn Ngữ văn.

Để học sinh có kỹ năng viết thành thạo, các em cần nắm vững tiến trình viết và thực hành viết theo tiến trình. Đây cũng là một trong những yêu cầu cần đạt của kỹ năng viết được Chương trình GDPT 2018 nêu rõ ở cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Viết theo các bước của tiến trình trong các bộ sách Ngữ văn của Chương trình mới đều thống nhất với 4 bước: Chuẩn bị viết; tìm ý, lập dàn ý; viết; chỉnh sửa, hoàn thiện. Đây là 4 bước cơ bản mà giáo viên khi dạy viết cần phải đảm bảo cho học sinh.

Chuẩn bị viết

Mục tiêu của bước này là giúp học sinh định hướng được những vấn đề cần chuẩn bị cho bài viết và xác định được nội dung một cách cụ thể. Chính xác hơn, trong bước này, các em nắm rõ đề tài sẽ viết, mục tiêu của bài viết, người đọc, hình thức/ kiểu văn bản của bài viết và việc thu thập thông tin cho bài viết.

Sau khi cung cấp đề bài cho học sinh, giáo viên chuẩn bị các câu hỏi hướng dẫn dựa trên đề bài để định hướng cho bài viết. Các câu hỏi nên được đặt theo hình thức “tự hỏi”, ví dụ như, thay vì yêu cầu các em “Hãy xác định đề tài của bài viết” thì nên khuyến khích các em trả lời câu hỏi “Trong bài viết này, tôi sẽ viết về vấn đề gì?”.

Những câu hỏi dạng “tự hỏi” như vậy sẽ tạo cho học sinh có tâm thế chủ động ngay từ giai đoạn đầu tiên của việc viết và ý thức được bài viết sẽ là sản phẩm do chính mình tạo ra, nhằm diễn đạt những suy nghĩ của chính mình.

Một số vấn đề cần lưu ý là: Dựa vào đề bài các em có thể dễ dàng xác định kiểu văn bản của bài viết, tuy nhiên, không phải em nào cũng hiểu rõ đặc điểm của kiểu văn bản đó. Cho nên, những câu hỏi kích hoạt, bổ sung kiến thức nền là rất cần thiết.

Ngoài ra, nếu kiểu văn bản cần viết hoàn toàn mới mẻ với người học, thì thầy cô phải tìm mẫu, phân tích mẫu để giúp các em hình thành được kiến thức về kiểu văn bản mới. Những thông tin cần thiết cho bài viết nếu liên quan đến kiến thức đọc hiểu đã học hoặc là những kiến thức, kinh nghiệm đã có thì rất thuận lợi để các em có thể huy động.

Nhưng nếu các em cần bổ sung, tìm hiểu thêm thông tin thì mới đáp ứng được yêu cầu của bài viết thì thầy cô cần hướng dẫn các em cách tìm và chọn lọc thông tin, xác định những nguồn thông tin đáng tin cậy. Để cụ thể hóa những biện pháp trên, giáo viên có thể thiết kế các dạng phiếu học tập đơn giản, phản hồi trực tiếp, hoặc cho các em trao đổi các phiếu học tập theo cặp để các em nhận xét phần làm việc của nhau.

Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý là lần lượt tìm các ý chính, ý phụ. Tuy nhiên các ý này có thể được gợi ra cùng lúc trong khi các em suy nghĩ về bài viết. Bước đầu của giai đoạn này, thầy cô nên khuyến khích các em viết tất cả các ý tưởng, suy nghĩ chợt hiện ra giấy, không cần phân biệt ý chính và ý phụ. Việc sắp xếp các ý có thể diễn ra đồng thời với tìm ý nhưng thông thường, các em cần phải hoàn thiện lại dàn ý sau đó.

Giáo viên cần xây dựng một hệ thống câu hỏi để hỗ trợ học sinh tìm ý. Nội dung các câu hỏi tùy thuộc vào đề bài và kiểu văn bản mà các em sẽ viết. Các ý chính của bài viết thường gắn liền với cấu trúc kiểu văn bản. Câu hỏi hướng dẫn các em tìm ý chính cũng dựa trên cơ sở này.

Ví dụ, hướng dẫn học sinh viết một văn bản tự sự, thầy cô có thể hỏi các câu như: Câu chuyện tôi kể sẽ có những sự việc chính nào? Có tình huống gì độc đáo? Tôi sẽ bắt đầu và kết thúc câu chuyện của mình như thế nào? Từ đó, dàn ý của bài viết sẽ được xây dựng trên trục chính là những sự việc, sự kiện, tình huống đó.

Với với văn bản nghị luận, giáo viên có thể đặt câu hỏi: Để bàn luận về vấn đề này, tôi sẽ trình bày những luận điểm nào? Tôi sẽ lựa chọn những dẫn chứng nào? Việc có sử dụng hay không các câu hỏi tìm ý phụ sẽ tuỳ thuộc vào khả năng xử lý thông tin của học sinh. Nếu học sinh ở những lớp yếu hơn, giáo viên hỗ trợ.

Giáo viên nên gợi ý bằng những câu hỏi càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Chẳng hạn như: Nhân vật mà tôi cần phân tích có những nét gì đáng chú ý về ngoại hình? Có hành động, lời nói ấn tượng như thế nào? Tôi sẽ chọn trích dẫn dẫn chứng nào để thể hiện tính cách nhân vật? Tôi sẽ phân tích những từ ngữ nào trong bài thơ để làm nổi bật nghệ thuật đặc sắc của bài thơ?...

Tiếp theo, giáo viên hướng dẫn học sinh lập dàn ý, nghĩa là giúp các em trình bày, sắp xếp lại các ý theo một thứ tự hợp lý nhằm định hướng cách thể hiện thuyết phục các ý tưởng của người viết về đề tài sẽ viết. Trong khi lập dàn ý, giáo viên nhấn mạnh với các em, rằng người viết vẫn có thể bổ sung hoặc lược bớt các ý tưởng.

Với cấp trung học phổ thông, học sinh đã có kinh nghiệm lập dàn ý, giáo viên có thể để các em tự do trình bày dàn ý theo cách mà các em muốn. Đối với cấp trung học cơ sở, thầy cô cần hướng dẫn cụ thể hơn ở những lớp đầu cấp.

Một số dạng dàn ý đơn giản mà học sinh có thể thực hiện tại lớp như: Viết lần lượt các ý chính, ý phụ ở dạng gạch đầu dòng; kẻ bảng bốn ô vuông, vẽ sơ đồ tư duy. Sử dụng các phiếu học tập để phác thảo hình thức của dàn ý là một cách định hướng cho học sinh lập dàn ý hiệu quả, đặc biệt, kĩ thuật này có tính hỗ trợ cao đối với học sinh có kỹ năng viết chưa tốt.

Viết bài

Công việc chính của giáo viên trong bước này là tạo động lực cho học sinh viết bài. Để khuyến khích các em thực hiện việc chuyển các ý tưởng trong dàn ý thành câu văn, đoạn văn, thầy cô cần hiểu rõ đây là giai đoạn học sinh viết nháp, văn bản mà học sinh tạo ra lần đầu không thể là một văn bản hoàn chỉnh.

Do vậy, tâm thế thoải mái khi viết là điều quan trọng. Trước hết, học sinh cần được định hướng về những yêu cầu mà bài viết phải đạt được. Điều này giúp học sinh hình dung trước về bài viết của mình và có ý thức để đạt được các yêu cầu ở mức tốt nhất có thể.

Khi viết, giáo viên cần giúp học sinh chú ý các điểm quan trọng sau:

- Mở bài phải thu hút được người đọc, nêu được lý do mình yêu thích tác phẩm hoặc vấn đề xã hội nào đó. Chẳng hạn, trong bài viết tham khảo (Ngữ văn 10, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống), người viết chọn truyện ngắn “Quà Giáng sinh” vì tác phẩm này đã đưa ra quan niệm độc đáo của nhà văn về một vấn đề gây tranh cãi là giá trị quà tặng và việc tặng quà.

- Các luận điểm triển khai ở thân bài cần tập trung hướng về chủ đề và những đặc điểm của thể loại (văn bản tự sự, văn bản thông tin, văn bản nghị luận). Trật tự các luận điểm có thể linh hoạt. Ví dụ, với dạng bài viết nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện thì phân tích, đánh giá chủ đề trước và phân tích, đánh giá những đặc điểm nghệ thuật sau hoặc ngược lại.

- Bài viết phải thể hiện được quan điểm, chính kiến riêng của người viết.

Ngoài ra, khi đã quan niệm bài viết lần đầu của học sinh là bản nháp thì giáo viên cũng hiểu rằng việc sau đó phải chỉnh sửa cho bài viết là tất yếu. Do đó, không nên chú ý đến việc chỉnh sửa cho học sinh chính tả, từ ngữ, ngữ pháp trong bước viết bài; mục tiêu chính là để giữ cho mạch cảm xúc và mạch tư duy của học sinh khi đang viết không bị gián đoạn vì phải dừng lại để sửa lỗi. Tuy nhiên, tùy theo thói quen và kinh nghiệm viết, một số học sinh vẫn có thể thực hiện việc đọc lại, chỉnh sửa phần đã viết, sau đó viết tiếp.

Trong bước này, đối với một kiểu văn bản học sinh mới thực hành viết lần đầu, giáo viên có thể hướng dẫn các em bằng cách sử dụng kĩ thuật “giàn giáo” (scaffolding). Đây là một kỹ thuật trong dạy học giúp cho học sinh chuyển từ việc học có sự hỗ trợ của giáo viên sang việc tự học.

Theo Bodrova và Leong (1998), đó là quá trình giáo viên từng bước cung cấp cho học sinh sự hỗ trợ đầy đủ để hoàn thành nhiệm vụ, sau đó, giáo viên giảm dần mức độ hỗ trợ cho đến khi học sinh có khả năng hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách độc lập. Khi vận dụng kĩ thuật này trong dạy viết, bước đầu giáo viên có thể phải viết mẫu, làm mẫu cho các em. Sau đó, giáo viên hướng dẫn các em viết, và cuối cùng là giai đoạn các em tự viết.

ky-nang-viet-trong-chuong-trinh-moi-1-4322-6552.jpg
Một tiết dạy của cô giáo Vũ Thị Thu Trang - Tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ảnh minh họa: Báo Hải Dương

Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm

Đối với bước này, giáo viên có thể kết hợp các hình thức đánh giá như: Đánh giá bằng phản hồi của giáo viên, học sinh đánh giá lẫn nhau và học sinh tự đánh giá. Công cụ hướng dẫn có vai trò quan trọng trong giai đoạn này.

Giáo viên tiếp tục sử dụng các công cụ như bảng kiểm mục hoặc rubric đánh giá bài viết, nhưng các công cụ này bây giờ sẽ có vai trò giúp các em tự đánh giá hoặc đánh giá lẫn nhau về bài viết. Việc hướng dẫn học sinh chỉnh sửa cũng nên chia thành hai bước cụ thể: (1) Điều chỉnh nội dung và (2) Chỉnh sửa chính tả, ngữ pháp, dấu câu.

Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh điều chỉnh nội dung bằng các câu hỏi như: Bài viết của tôi đã chặt chẽ, thuyết phục chưa? Tôi đã tách đoạn theo các ý rõ ràng chưa? Tôi muốn bổ sung ý tưởng mới nào mà tôi đã nghĩ ra trong lúc viết? Có những đoạn văn nào trong bài viết của tôi triển khai những nội dung khá giống nhau? Tôi có nên bỏ bớt ý nào/ đoạn văn nào không?

Có những ý tưởng nào trong bài viết của tôi chưa được giải thích, chứng minh đầy đủ? Tôi sẽ bổ sung thêm bằng chứng nào? Các từ ngữ tôi dùng trong bài viết có giúp người đọc hiểu ý tôi muốn diễn đạt một cách rõ ràng, chính xác chưa? Tôi đã dùng các từ ngữ chuyển ý, chuyển đoạn hợp lý chưa?...

Việc dạy viết dựa trên tiến trình cho học sinh trung học trong bối cảnh bước đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 có thể là một thử thách với nhiều giáo viên. Bên cạnh việc phải bổ sung kiến thức đầy đủ về tiến trình viết; phải thay đổi quan niệm từ dạy nội dung để viết thành dạy kỹ năng viết, giáo viên còn cần có sự chuẩn bị công phu trong từng bước hướng dẫn học sinh. Mặt khác, giáo viên cũng phải thực sự kiên trì, chịu khó đồng hành với từng khó khăn của các em để có những giải pháp giúp đỡ kịp thời.

Trong bốn kỹ năng: Đọc, viết, nói và nghe mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới thì các kĩ năng luôn có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ cho nhau nên khi dạy học từng kỹ năng, giáo viên cần phải lồng ghép các lưu ý. Nếu giáo viên thực hiện tốt các lưu ý này, tôi tin rằng dạy viết - một trong những thách thức lớn nhất trong Chương trình mới sẽ được cởi bỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.