Kỹ năng lập dàn ý văn tự sự lớp 6

GD&TĐ - Hiện nay, trong nhà trường phổ thông, việc rèn luyện kỹ năng lập dàn ý còn là mối lo ngại đối với giáo viên và học sinh.

Kỹ năng lập dàn ý văn tự sự lớp 6

Số tiết dạy về kỹ năng này còn quá ít (1 tiết cho bài: Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý đối với mỗi kiểu văn bản).

Hơn nữa, học sinh quen viết theo cảm hứng, hoặc ngại suy nghĩ chỉ thích dự vào dàn ý của thầy, cô giáo hoặc sao chép bài mẫu nên phần lớn học sinh đã bỏ qua thao tác này nếu đề bài kiểm tra không yêu cầu bắt buộc lập dàn ý trước khi viết văn bản.

Xuất phát từ những thực tế nói trên, Cô Hà Thị Ngọc - Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình - Hà Nội) đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân, mong có thêm định hướng mới trong quá trình dạy và học kiểu bài Lập dàn ý cho bài văn tự sự trong chương trình ngữ văn lớp 6 qua hệ thống bài tập.

Những yêu cầu cơ bản của kỹ năng lập dàn ý

Muốn lập dàn ý cho bài văn, cô Hà Thị Ngọc nhấn mạnh phải nắm được các yêu cầu cơ bản của dàn ý.

Dàn ý phải đáp ứng đúng những yêu cầu về nội dung, hình thức, thể loại, mục đích, đối tượng và về cả những giới hạn mà đề bài xác định.

Yêu cầu này đòi hỏi người viết phải bám sát đề tài, phải dựa vào kết quả của giai đoạn phân tích và tìm hiểu đề, phải dựa vào hướng đi mà đề bài đã quy định.

Dàn ý phải đảm bảo tính chặt chẽ và hợp logic: Những nội dung, những sự việc phải được sắp xếp theo một trình tự và có quan hệ mật thiết với nhau. Trình tự và những mối quan hệ này một mặt phản ánh đúng mối quan hệ trong thực tế khách quan, mặt khác phản ánh những quy luật của nhận thức, của tư duy khoa học.

Các phần, các mục trong dàn ý phải được sắp xếp theo những mối quan hệ nhất định, theo trình tự phát triển của chủ đề, của nội dung một cách hợp lý.

Dàn ý phải cân xứng, hài hoà giữa các phần, các mục: Đây không phải là sự dàn đều mà là sự tổ chức cho thích hợp với các trọng tâm, trọng điểm tuỳ các mức độ khác nhau trong yêu cầu của đề tài.

Dàn ý cần phải phản ánh đúng những tỷ trọng và dung lượng thích hợp mà đề bài đã xác định. Có như thế mới đáp ứng thích hợp các yêu cầu của đề tài.

Dàn ý cần trình bày sáng sủa, mạch lạc, dễ hiểu thông qua các từ ngữ và các ký hiệu thích hợp.

Đối với dàn ý văn tự sự ở lớp 6 phải phù hợp với đối tượng học sinh đầu cấp cơ sở. Nghĩa là dàn ý phải được trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và đúng thể loại.

Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý từ hệ thống bài tập

Để xây dựng được các kỹ năng kể chuyện cho học sinh, cô Hà Thị Ngọc cho biết, phải xuất phát từ một hệ thống bài tập. Muốn hình thành hệ thống bài tập cần xác định các yêu cầu cụ thể:

Hệ thống bài tập phải hướng vào đích: Bất cứ quá trình giao tiếp nào thì đích cũng là yếu tố đầu tiên đặt ra. Hệ thống bài tập trong văn tự sự tập trung vào đích là hình thành kỹ năng cho học sinh, chỉ có trên cơ sở như thế thì mới có thể xây dựng được hệ thống bài tập cho phù hợp.

Khi rèn luyện kỹ năng lập dàn ý, việc xây dựng hệ thống bài tập là vấn đề trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Trong khi dạy và học Ngữ văn, cụ thể hơn là khi dạy và học kiểu bài văn tự sự, dựa vào đặc trưng của thể loại, vào nội dung từng câu chuyện mà chia thành nhiều loại bài tập khác nhau.

Theo quan điểm tích hợp, tích cực đồng thời để phát huy khả năng tư duy và sáng tạo cho học sinh, cô Ngọc đưa ra hệ thống bài tập gồm một số dạng như sau:

Bài tập lập dàn ý từ một văn bản có sẵn: Nghĩa là từ một văn bản có sẵn yêu cầu học sinh nhận biết, xác định bố cục của từng phần (Mở bài, thân bài, kết luận).

Ví dụ, với bài tập lập dàn ý từ văn bản kể chuyện đời thường, giáo viên chọn một văn bản rồi yêu cầu học sinh dựng lại dàn ý đó từ văn bản đó.

Để làm được điều này học sinh cần thực hiện các bước: Căn cứ vào văn bản, xác định hệ thống ý và bố cục; lập dàn ý với hệ thống đã xác định.

Với bài tập biến đổi dàn ý, cô Ngọc cho rằng, đây là dạng bài tập nhằm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh.

Giáo viên cho học sinh luyện tập theo hai cách: Từ dàn ý sơ lược phát triển thành dàn ý chi tiết; từ dàn ý chi tiết khái quát thành dàn ý sơ lược.

Bài tập hoàn chỉnh dàn ý: Mục đích của dạng bài tập này nhằm nhắc lại những lý thuyết cơ bản khi tìm hiểu dàn bài của bài văn tự sự để rèn luyện kỹ năng lập dàn ý theo bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài); nêu nhiệm vụ và nhấn mạnh vai trò không thể vắng mặt của từng phần.

Với bài tập này, cô Ngọc gợi ý, giáo viên giới thiệu dàn ý không đạt yêu cầu, yêu cầu học sinh sửa chữa và hoàn chỉnh dàn ý, học sinh cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Đọc và xác định yêu cầu của bài; bước 2: Phát hiện các lỗi của dàn ý; bước 3: Sửa chữa và hoàn chỉnh dàn ý.

Với bài tập lập dàn ý từ đề bài cho trước, đây là dạng bài tập quen thuộc, thường gặp nhưng cũng bài tập khó, đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức về lý thuyết cũng như vận dụng một cách thành thạo và kỹ năng làm văn.

Dạng bài tập này yêu cầu người viết từ một đề bài cho trước trải qua các thao tác làm văn để tạo lập văn bản.

Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này hiệu quả, cần lưu ý, hệ thống bài tập phải phù hợp với tầm nhận thức của học sinh, các bài tập có sự phân loại theo trình độ của học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên cần sử dụng một cách linh hoạt giữa nội dung lý thuyết và bài tập thực hành. Ngoài các câu hỏi và bài tập thực hành trên lớp, có thể ra thêm bài tập để học sinh làm ở nhà và thu về chấm chữa, đánh giá kết quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ