Nhóm là một tập hợp những cá nhân có các kỹ năng bổ sung cho nhau và cùng cam kết chịu trách nhiệm thực hiện một mục tiêu chung. Vì vậy, kỹ năng làm việc nhóm đặc biệt quan trọng để phát triển tư duy, kiến thức lẫn thực hành.
Làm việc nhóm được cho là kỹ năng quan trọng không kém thuyết trình hay kỹ năng xã hội. Làm việc nhóm cũng giúp thúc đẩy sự sáng tạo và đưa ra quyết định đúng đắn.
Rèn luyện từ nhà đến trường
Trong cuộc sống, làm việc nhóm là kỹ năng quan trọng, ngày càng phổ biến. Làm việc theo nhóm chính là sự tập hợp của hai hay nhiều nhóm người gộp lại, cùng đặt ra một, hay nhiều mục tiêu nhất định để hoàn thành. Các thành viên trong nhóm phải tự nhận thức bản thân của họ như một cá thể trong xã hội, đồng thời, cũng phải xác định rõ việc làm của mình sẽ có vai trò quan trọng trong một môi trường tập thể như thế nào.
Làm việc nhóm được cho là kỹ năng quan trọng không kém thuyết trình hay kỹ năng xã hội. Khi một nhóm được thành lập, sẽ có nhóm trưởng và các thành viên. Nhóm trưởng sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, đôn đốc quá trình thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Các thành viên còn lại có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau, tham gia đóng góp ý kiến để cùng hoàn thành tốt công việc chung của nhóm.
Đối với học sinh, kỹ năng làm việc nhóm đặc biệt quan trọng để phát triển tư duy, kiến thức lẫn thực hành. Các chuyên gia cho biết, làm việc nhóm tốt sẽ giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp. Đơn cử, khi một nhóm học sinh được phân công làm bài tập, lợi ích đầu tiên đó là sự giao tiếp giữa các thành viên. Phần lớn thời gian các em dành để trao đổi kiến thức, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong quá trình gặp khó khi làm bài tập nhóm.
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ biết cách giải quyết vấn đề nhanh hơn, tăng năng suất công việc. Mỗi học sinh sẽ có sở trường, sở đoản khác nhau, vì thế quá trình làm việc nhóm sẽ bổ trợ kiến thức cho nhau. Từ đó, giúp cả nhóm hoàn thành công việc nhanh hơn. Khi nhận bài tập nhóm, nhóm trưởng sẽ phân công nhiệm vụ cho từng người theo thế mạnh của thành viên. Như vậy, bài tập nhóm sẽ nhanh chóng được hoàn thành và mọi thành viên đều cảm thấy công việc chung dễ dàng hơn.
Làm việc nhóm cũng giúp thúc đẩy sự sáng tạo và đưa ra quyết định đúng đắn. Mỗi thành viên sẽ có những ý tưởng khác nhau. Điều này giúp các thành viên khác trong nhóm học hỏi, tham khảo, sáng tạo hơn nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn.
Theo chị Nguyễn Hạnh Ly (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một phụ huynh có con học lớp 2, con chị được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm ngay từ khi còn học mầm non. Bên cạnh đó, để trẻ có thể rèn luyện kỹ năng này tốt hơn, chị cũng cùng con tham gia một số hoạt động tập thể thường ngày đơn giản như nấu ăn, làm việc nhà…
“Tôi thường để con tham gia vào quá trình nấu ăn. Bởi, hoạt động đó sẽ giúp con phát triển kỹ năng tư duy logic, trách nhiệm và hợp tác. Hoặc, với những công việc nhà đơn giản như gấp quần áo, lau nhà… bé sẽ học được cách sắp xếp thời gian và phối hợp công việc với các thành viên trong gia đình”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Ngoài ra, thi thoảng, chị Ly cũng tổ chức cho con tham gia một vở kịch (với họ hàng, hàng xóm và thành viên trong gia đình). Phụ huynh này cho biết, việc chọn một kịch bản phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ là điều nên làm. Bởi, đây cũng là cách tuyệt vời để trẻ rèn luyện kỹ năng sáng tạo, tự tin và trình diễn trước đám đông.
Trong khi đó, nữ phụ huynh Trần Khánh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) - có con học mầm non cho biết, khi có dịp, chị thường để con và các bạn hàng xóm tham gia một số trò chơi tập thể. Chị cho rằng, có nhiều hoạt động thú vị giúp phát triển kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ mầm non như trò chơi xây tháp, giải đố, xếp hình…
Khi có thời gian, vợ chồng chị cũng cùng chơi để giúp con rèn luyện kỹ năng và tăng thêm sự gắn kết tình cảm. Ngoài những hoạt động vui chơi, chị Huyền cũng đồng hành cả trong học tập để con trau dồi kỹ năng giao tiếp và biết cách đóng góp ý kiến, tạo ra một cuộc thảo luận bổ ích.
“Vợ chồng tôi cho rằng, một yếu tố vô cùng quan trọng khác là xây dựng sự tự tin cho trẻ. Phụ huynh nên giúp con mình nhận ra giá trị của bản thân. Đồng thời, khuyến khích trẻ tự tin thể hiện ý kiến, quan điểm của mình trước đám đông”, chị Huyền nêu quan điểm.
Để làm việc nhóm hiệu quả
Chia sẻ trên “Cẩm nang chăm sóc tâm lý trẻ em”, chuyên gia tâm lý Lê Khanh (TPHCM) cho biết, nhóm không đơn giản chỉ là một tập hợp nhiều người làm việc cùng nhau hoặc làm việc dưới sự chỉ đạo của một người quản lý.
Nhóm là một tập hợp những cá nhân có các kỹ năng bổ sung cho nhau và cùng cam kết chịu trách nhiệm thực hiện một mục tiêu chung. Vì thế, các thành viên trong nhóm cần có sự tương tác với nhau và với trưởng nhóm để đạt được mục tiêu chung. Các thành viên trong nhóm cũng phải có sự phụ thuộc vào thông tin của nhau để thực hiện phần việc của mình.
Có nhiều hình thức nhóm khác nhau như: Nhóm bạn học tập, bạn cùng sở thích, năng khiếu, kỹ năng, các câu lạc bộ, các nhóm làm việc theo dự án, nhóm làm việc trong tổ chức… Tuy nhiên, theo chuyên gia này, tất cả đều phải xây dựng trên tinh thần đồng đội, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Ngoài ra, phải tạo ra một môi trường hoạt động mà các thành viên trong nhóm cảm thấy tự tin, thoải mái để cùng nhau làm việc, hợp tác và hỗ trợ nhau để đạt đến mục tiêu đã đặt ra.
Điều quan trọng là phải giúp các thành viên trong nhóm tin rằng, sự cống hiến của mình cho tập thể được đánh giá đúng đắn, chính xác và nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. Những thành viên trong nhóm phải được xác định rằng, thành quả của tập thể có được là từ sự đóng góp tích cực của mỗi người.
Một nhóm có thể hình thành theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, các nhóm bạn học tập có thể hình thành do sự chỉ định của thầy cô. Nhóm sở thích hình thành do sự kết nối với nhau… Vì vậy, có những nhóm hình thành và gắn kết rất lâu. Tuy nhiên, cũng có những nhóm chỉ hoạt động cùng nhau trong một thời điểm nào đó.
“Nói một cách đơn giản, nhóm làm việc là nhóm tạo ra được một tinh thần hợp tác, biết phối hợp và phát huy các ưu điểm của thành viên trong nhóm. Từ đó, để cùng nhau đạt đến một kết quả tốt nhất cho mục đích mà nhóm đặt ra”, chuyên gia nêu.
Theo chuyên gia Lê Khanh, để thực hiện các hoạt động, thì một cá nhân dù xuất sắc đến đâu cũng không thể làm được nếu không có sự trợ giúp của những người cùng làm việc với mình. Vì vậy, điều cơ bản nhất là phải có sự đồng thuận hay tiếng nói chung giữa những người trong nhóm. Tuy nhiên, mỗi một thành viên trong nhóm cần phải có một số kỹ năng. Trong đó, lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Các thành viên trong nhóm phải biết chia sẻ, tôn trọng ý kiến của nhau.
Trong khi đó, chất vấn cũng là kỹ năng cần thiết, giúp thể hiện tư duy phản biện tích cực. Đây là một kỹ năng khó mà bất kỳ ai cũng cần rèn luyện. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng cần có kỹ năng thuyết phục. Cụ thể, các thành viên phải trao đổi, suy xét những ý tưởng đã đưa ra, biết tự bảo vệ và thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.
“Mỗi thành viên trong nhóm phải tôn trọng ý kiến của những người khác thể hiện qua việc động viên, hỗ trợ nhau, nỗ lực biến chúng thành hiện thực. Các thành viên cũng phải biết giúp đỡ nhau”, chuyên gia chia sẻ và nhấn mạnh, các thành viên trong nhóm cũng cần biết chia sẻ kinh nghiệm và chung sức với nhau.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Các trường đại học và nhà tuyển dụng quốc gia, làm việc theo nhóm là một trong những kỹ năng được tìm kiếm và yêu cầu nhiều nhất tại nơi làm việc. Những tiến bộ trong công nghệ đã cho phép các công ty kết nối và cộng tác nhiều hơn bao giờ hết, với lực lượng lao động đa dạng trên khắp thế giới. Do đó, điều quan trọng hơn đối với nhân viên là thể hiện kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, trong cả tương tác trực tiếp và môi trường làm việc trực tuyến.