Kỹ năng cần có để khởi nghiệp thành công

GD&TĐ - Để biến một ý tưởng khởi nghiệp từ lý thuyết thành sản phẩm thực tế, người xây dựng nhiều khi phải chấp nhận rủi ro...

Trần Bá Trung cho rằng, sau khi chọn lọc nên tập trung vào ý tưởng khả thi nhất. Ảnh: NVCC
Trần Bá Trung cho rằng, sau khi chọn lọc nên tập trung vào ý tưởng khả thi nhất. Ảnh: NVCC

Dám dấn thân, chấp nhận mạo hiểm

Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trần Bá Trung (đang làm việc tại Công ty Early Start, Monkey Việt Nam) tiếp tục học cao học tại trường. Kết thúc học kỳ đầu của khoá học thạc sĩ, Trung ấp ủ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ AI.

Trung tâm sự: “May mắn của em là khi xây dựng dự án đúng vào thời điểm phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin. Vận hội này đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho em ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất nhằm tạo nên một sản phẩm thực sự đột phá”.

Từ manh nha ý tưởng cho đến lúc dự án dần dần rõ ra hình hài và tiến tới đưa vào thử nghiệm, Trung đã phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày trong suốt hai tháng trời. Trung cho hay: “Ở giai đoạn này, em phải tự mình làm tất cả mọi việc, từ phiên bản thử nghiệm đầu tiên”.

Khi sản phẩm còn trong giai đoạn thử nghiệm, Trung đã nhận được đề nghị từ một giáo sư ở Đại học Sydney (Úc) cấp học bổng học tiến sĩ. Nhưng như Trung chia sẻ: “Em đã từ chối để có thời gian tiếp tục theo đuổi dự án khởi nghiệp của mình”.

Hiện tại, dự án đã hình thành, Trung đưa vào thử nghiệm nhưng kết quả chưa mang lại lợi nhuận như mong đợi. Do vậy, để có sản phẩm hoàn hảo nhất đưa ra thị trường, Trung đã thay đổi chiến lược, lựa chọn cách hoàn thành dự án dài hạn để khắc phục những hạn chế đang gặp phải. Song song với đó, Trung quyết định đi làm việc khác nữa để có thêm kinh nghiệm về quản lý, vận hành công ty. Thời gian rảnh rỗi sau khi kết thúc công việc văn phòng, Trung tập trung trí lực để phát triển dự án khởi nghiệp của mình.

Trung kể: “Khi còn là sinh viên, em đã ấp ủ nhiều ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên thay vì lao vào thực hiện ngay, em tập trung vào việc học hỏi kinh nghiệm và kiến thức, đẩy mạnh việc nghiên cứu, đọc sách, thường xuyên theo dõi các trend khởi nghiệp về công nghệ từ các trang tin nước ngoài. Em cũng luôn đặt mình trong trạng thái sáng tạo, mỗi ý tưởng đều phải phân tích kỹ lưỡng, đánh giá tính khả thi và tác động. Sau khi nhận diện được các cơ hội thị trường, em chọn lọc và tập trung vào ý tưởng khả thi nhất, từ đó phát triển nó thành một sản phẩm thực tế, có đủ khả năng mang lại giá trị cho xã hội”.

Với kinh nghiệm đã tích lũy được, Trung cho rằng để thực hiện tốt quá trình khởi nghiệp thì việc tìm ra một lịch trình làm việc hiệu quả là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, Trung luôn cố gắng sắp xếp thời gian một cách khoa học và tập trung làm việc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Vượt qua những thách thức

Khởi nghiệp ở tuổi 50, tưởng là đã muộn nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng (Cao Lộc, Lạng Sơn) đã xây dựng thành công một thương hiệu mắc ca nổi tiếng trên thị trường. Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, ông Hùng đúc kết: “Khởi nghiệp là chọn một con đường làm kinh tế phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh của bản thân. Khó khăn lớn nhất trong hành trình đó là chọn được ý tưởng khả thi trong số các ý tưởng mà các bạn suy tư, ấp ủ.

Từ những trải nghiệm thực tế, tôi nhận ra rằng một trong những điều kiện quyết định sự thành công của ý tưởng là nguồn vốn. Nhiều lúc, tôi đã huy động vốn đầu tư rất khó khăn, phải thế chấp tài sản để vay vốn sản xuất với lãi suất cao nhưng với khát khao làm được việc lớn tôi vẫn phải chấp nhận”.

Từ bài học kinh nghiệm đắt giá, ông Hùng mong rằng Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở một lĩnh vực mới mẻ như trồng và chế biến sản phẩm nông nghiệp “các ý tưởng gia” rất cần được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, để họ an tâm sản xuất, phát triển bền vững.

Còn theo PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội): “Thách thức đối với những người khởi nghiệp nói chung và sinh viên nói riêng chính là họ có lượng kiến thức, thông tin lớn, đa dạng nhưng nhiều khi lại không biết bắt đầu từ đâu. Vấn đề thứ hai là khó khăn về tài chính”.

Phân tích cụ thể hơn, PGS Hương Lan lý giải: “Khi tiến hành dự án khởi nghiệp, nếu không có nguồn vốn “mồi”, các bạn rất khó để thực hiện các công đoạn từ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tâm lý và nhu cầu của khách hàng đến test thử sản phẩm... Đó là còn chưa nói đến công đoạn tiếp theo khi chính thức đưa dự án ra thị trường và các bạn phải đối mặt với một khó khăn nữa thuộc về nội lực, chính là ý chí quyết tâm đi đến cùng, bất chấp những khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Nhiều nhóm khởi nghiệp không thể tiếp tục đi đến cùng dự án mình đã xây dựng bởi không đủ ý chí, quyết tâm khi phải đối mặt với khó khăn”.

Do vậy, PGS Hương Lan cho rằng ngay từ khi ngồi trên giảng đường, sinh viên cần phải trang bị cho bản thân nền tảng kiến thức lý luận vững vàng, nên tranh thủ các cơ hội thực tập làm thêm ở doanh nghiệp. Khởi đầu làm việc đừng vội đặt nặng vấn đề thu nhập mà hãy học việc tại doanh nghiệp để có những trải nghiệm thực tiễn.

“Việc khởi nghiệp đối với em cũng giống như việc nuôi dạy một đứa trẻ, quá trình đó phải theo dõi nó phát triển mỗi ngày để cung cấp cho bản thân nguồn động lực làm việc chăm chỉ hơn. Khi bạn nỗ lực mỗi ngày, tất cả sẽ không uổng phí mà giúp bạn cải tiến và phát triển sản phẩm đạt với mục tiêu mà người dùng mong muốn và mang lại giá trị thiết thực hơn”, Trần Bá Trung - Công ty Early Start chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ