Kỷ luật tích cực: Nói không với kỷ luật trừng phạt

GD&TĐ - Giáo dục hiện đại và đổi mới giáo dục đòi hỏi giáo viên có những phương pháp kỷ luật tích cực, giúp học sinh phát triển phẩm chất năng lực một cách toàn diện.

Cô và trò lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận – Quản Bạ, Hà Giang.
Cô và trò lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận – Quản Bạ, Hà Giang.

Giáo viên cần suy nghĩ tích cực

Cô Nguyễn Hồng Hải – GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) bày tỏ: Làm sao để HS phạm “chuẩn” tự nhận thức, thay đổi hành vi không mong muốn nhưng vẫn cảm thấy được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được hiểu và có giá trị? Đó là yêu cầu bắt buộc trong hành trình đổi mới giáo dục đặt ra và đòi hỏi thầy cô sự nhạy cảm, tỉnh táo khi đưa ra quyết định.

Theo cô Hải, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực đạt được tính khả thi khi GV biết cách chế ngự cảm xúc, lắng nghe tích cực để hiểu HS và hiểu chính mình; cho HS tự nhận thức được giá trị, hệ lụy hành vi bản thân gây ra, từ đó tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong giáo dục, cô Nguyễn Thị Khánh – nguyên GV Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm để việc giáo dục HS đạt hiệu quả với kỷ luật tích cực: GV cần hiểu rõ hoàn cảnh, đặc điểm từng HS, từ đó có phương pháp giáo dục riêng. 

Đặc biệt, GV cần kiên trì chấp nhận những tồn tại/mặt yếu kém của HS. Phải khách quan trong việc nhìn nhận, đánh giá những biểu hiện lệch chuẩn của HS. Từ sự việc hàng ngày, GV giúp HS phân tích, cảm nhận cái hay, đẹp, cái nên–  không nên làm, cái lợi – hại,  tốt – xấu,  thiện – ác… Qua đó để HS tự lựa chọn cách ứng xử sao cho phù hợp chuẩn mực chung của xã hội. 

Mặt khác, cô Nguyễn Thị Khánh cũng cho rằng: Giáo dục bằng kỷ luật tích cực đòi hỏi GV phải giúp HS biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng. GV là người gieo nhu cầu, biết tổ chức cho HS thực hiện dần yêu cầu giáo dục. HS tự kiểm tra – đánh giá, ra quyết định cho các hành vi của mình…  

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) “hiến kế” giúp GV thực hiện kỷ luật tích cực đó là cho HS tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm. Muốn thực thi có hiệu quả, đem lại cảm giác thoải mái cho HS, vào đầu kỳ học/năm học, GV có thể thông qua quy chế đánh giá xếp loại học lực, khen thưởng kỷ luật và dự thảo nội quy, quy định của lớp tại buổi họp với phụ huynh để góp ý trao đổi, bàn bạc đi đến thống nhất. Đồng thời thông qua tập thể để HS biết, góp ý và đi đến đồng ý, thống nhất thực hiện. 

Sau khi hoàn chỉnh nội quy, GV có thể photo dán ở lớp và mỗi HS nhận 1 bản. Việc thực hiện nội quy cho HS tự theo dõi, tự đánh giá. GV là người giám sát việc thực hiện và tổng hợp kết quả, gửi về gia đình hàng ngày qua kênh liên lạc điện tử hoặc văn bản sau mỗi tháng. 

Như vậy, những quy định của lớp trước khi thực thi đã được nhà giáo dục – phụ huynh - HS thông qua, thống nhất. Căn cứ vào những nội dung trong bản nội quy đó, người thực hiện các hành động khen thưởng và kỷ luật không ai khác là HS. Nói cách khác, bảng nội quy như một barem, mỗi HS tự đối chiếu các hành vi phạm do mình gây ra để tự chọn hình thức kỷ luật đã được quy định. Việc làm này giúp các em thay đổi hành vi không mong muốn. Và quan trọng hơn, HS cảm thấy thoải mái, được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được hiểu và cảm thấy bản thân có giá trị. 

Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (Tam Điệp - Ninh Bình) trong giờ ra chơi.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (Tam Điệp - Ninh Bình) trong giờ ra chơi.

Đích đến là tiến bộ của học trò

Cô Nguyễn Thị Khánh cho rằng: Hình thức xử phạt hợp lý trong đó có kỷ luật tích cực sẽ giúp HS nhận ra lỗi của mình để tiến bộ thay vì áp dụng những biện pháp xử phạt truyền thống. 

Áp dụng kỷ luật tích cực sẽ nhận được hiệu quả cao từ HS vi phạm lỗi. Ví như việc áp dụng phiếu khen, lời khen, động viên… đặc biệt quan trọng với HS cá biệt, vô kỷ luật trong lớp. Ngoài ra, GV có thể áp dụng hàng loạt phương pháp khác như gửi tin nhắn về nhà cho phụ huynh khi HS có chuyển biến, tiến bộ; Tổ chức các trò chơi công nhận đặc điểm tốt của HS; Đặt mình vào vài trò của người học để xem xét, làm rõ và tìm cách giải quyết vấn đề; Tăng cường sự tham gia của HS trong các hoạt động của trường, lớp, tổ…

Kỷ luật tích cực cũng làm cho đội ngũ GV thêm phong phú về vốn tri thức, uyển chuyển linh hoạt về chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết hơn tâm sinh lý HS. GV thấy được trách nhiệm nhiều hơn, chia sẻ kinh nghiệm hay trong giáo dục học trò, tránh được hiện tượng trách mắng, xúc phạm thân thể, tinh thần, danh dự HS…

Cô Nguyễn Hồng Hải khẳng định: Giáo dục con người là một kỳ công và sự khổ luyện. Để giáo dục HS, đặc biệt với HS hay vi phạm lỗi, chưa ngoan ngoài sự nghiêm khắc mỗi GV phải có sự kiên nhẫn, bao dung. Giáo dục HS cần sử dụng những phương pháp tích cực. Làm sao để không chỉ giảm thiểu hành vi tiêu cực, mà còn phát triển nhân cách HS một cách toàn diện. 

Trong trường phổ thông, GV góp phần quan trọng hình thành và nuôi dưỡng nhân cách HS. Do trong giai đoạn đang phát triển tâm sinh lý, các em chưa có khả năng làm chủ và kiểm soát mọi hành vi của mình. Hơn nữa những tác động của xã hội cũng ít nhiều làm gia tăng hành vi lệch chuẩn của trẻ. Song HS luôn có nhu cầu được khẳng định và tôn trọng. Là GV cần căn cứ vào những đặc điểm này để chọn phương pháp giáo dục hiệu quả nhất… - Cô Nguyễn Hồng Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ