Dù đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết tại sao ở đảo Champ, gần vùng Bắc cực của Nga lại có tới hàng nghìn quả cầu đá cao hơn đầu người xuất hiện. Những quả cầu đá khổng lồ cao tới 2m nằm rải rác khắp nơi trên đảo không có người ở này.
Theo nhà nghiên cứu về Bắc cực của Nga, Viktor Boyarsky, Champ là hòn đảo Bắc cực tuyệt đẹp, rộng tới 374km2. Những quả cầu đá này không phải là sản phẩm nhân tạo, song các nhà khoa học lại chưa thống nhất được cách mà chúng hình thành.
Nhiều quả cầu đá tương tự nhưng nhỏ hơn còn được phát hiện trên đảo Heiss thuộc cùng quần đảo trên.
Những quả cầu đá khổng lồ trên đảo Champ.
Nhà địa chất học người Áo Sepp Fridhubera, người đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về các khối cầu đá này cho biết, trên đảo Heiss, các quả cầu đá trông giống như viên đạn tròn hoặc quả đạn đại bác với các kích cỡ khác nhau nhưng không lớn bằng ở đảo Champ. Phần lớn quả cầu đá được hình thành dưới nước và có lõi hữu cơ ở chính tâm.
Champ được đặt theo tên gọi của William S. Champ, người đã tài trợ cho một số chuyến thám hiểm đầu tiên tới Bắc cực hồi thế kỷ 19. Còn Heiss (tiếng Đức) là tên gọi của Isaac Israel Hayes, cũng là người Mỹ, nhà thám hiểm Bắc cực có công tìm ra vùng đất này.
Còn tại làng Costesti (Rumani) hiện có một loại đá kỳ lạ không hề có ở bất cứ nơi nào, người dân ở đây gọi là đá Trovant hay “đá dậy thì”.
Nó không chỉ thu hút sự tò mò của dư luận mà còn khiến các nhà khoa học hết sức quan tâm. Điều kỳ lạ là đá Trovant “mọc lên như nấm sau mưa”, bởi cứ sau các trận mưa, đá Trovant lại nở ra một cách kỳ lạ.
Để kiểm chứng, các nhà khoa học đã lắp camara tự động và phát hiện thấy Trovant giống như một sinh vật sống lớn lên từ đất.
Đá Trovant ở Rumani.
Những tảng đá này được cấu tạo chủ yếu bởi một lõi đá cứng và phần còn lại được tạo thành từ cát xung quanh lõi, giống như lớp vỏ bên ngoài.
Trovant có thể được tạo ra bởi sự tích tụ cát có độ xốp cao và các mỏ đá sa thạch được xi măng cứng nhờ nước giàu canxi cacbonat.
Trovant là kết quả của hiện tượng địa chất độc đáo. Mỗi tảng bao gồm lõi đá và lớp vỏ cát bên ngoài. Khi trời mưa to, những khối nhỏ hơn xuất hiện trên bề mặt tảng đá nên người dân địa phương thường gọi chúng là “đá dậy thì”.
Khối đá Trovant có thể cấu thành từ một hoặc nhiều tảng, mặt trong có những vòng hình tròn hoặc elip tương tự vòng cây. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đá Trovant đã được hình thành từ cả chục triệu năm trước.
Đa phần ý kiến cho rằng, những vụ động đất đã tạo ra loại đá này và từ kiến tạo địa chất, chúng trồi lên mặt đất cả triệu năm nay, không những chỉ “lớn lên” khi có mưa.
Người ta đã đo được độ lớn kinh ngạc của chúng sau khi trời ngừng mưa. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu mẫu vật để tìm ra lý do tạo sao đá Trovant lại phình to mỗi khi có nhiều nước.