Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ, cơ bản giữ nguyên như nhiệm kỳ khóa trước. Quốc hội cũng bỏ phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kì mới.
Thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ý kiến từ 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị thành lập Bộ Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em hoặc Bộ Thanh niên và Trẻ em; thành lập cơ quan quản lý nhà nước về biển đảo gồm kinh tế biển, môi trường, an ninh biển; cơ quan quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp… Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị tách Bộ Tài nguyên và Môi trường thành 2 Bộ; nhập Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế tổng hợp; nhập Bộ Giao thông Vận tải với Bộ Xây dựng; nhập Bộ Nội vụ vào Ban Tổ chức Trung ương; đổi tên Bộ Công an thành Bộ An ninh, Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Quốc gia Việt Nam hoặc Ngân hàng Trung ương...
Thay mặt Chính phủ giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cơ cấu của Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, phù hợp với xu thế chung của thế giới, phát huy hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, thu gọn bộ máy cơ quan Nhà nước. Do đó, Chính phủ đề nghị giữ nguyên tên gọi các Bộ như hiện nay vì việc đổi những tên gọi đã được sử dụng thời gian dài, cả trong nước và quốc tế sẽ gây lãng phí và nảy sinh nhiều phức tạp trong hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng
Chiều 26/7, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự kiến nhân sự, Quốc hội khoá XIV đã biểu quyết thông qua danh sách và bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Theo kết quả kiểm phiếu do ông Bùi Văn Cường, Trưởng ban Kiểm phiếu, công bố, có 485/489 phiếu hợp lệ tán thành (chiếm 98,18% tổng số đại biểu Quốc hội) bầu ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ với sự nhất trí cao. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được Ban Kiểm phiếu công bố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước quốc kỳ, Quốc hội và nhân dân, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp 2013.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê Quảng Nam, cử nhân kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Phúc từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ nhiệm thường trực, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016; được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII.
Ủy viên Trung ương Đảng khoá X, XI, XII, Ủy viên Bộ Chính trị khoá XI, XII, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII, XIV.