Sáng 22/5, tại phiên thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019, ĐBQH Lê Thu Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố và chứng minh bằng các con số.
Ngay sau đó, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành đã “phản pháo” và khẳng định các tính toán của đại biểu Lê Thu Hà là sai.
Giá điện không tăng như công bố?
Theo ĐBQH Lê Thu Hà, từ việc bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá, các chuyên gia kinh tế cho thấy người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng) và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.
Đối với bậc 3 (101 - 200kWh), theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng), hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.
Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201 - 300kWh) là 12,7% và ở bậc 5 (301 - 400kWh) là 14,2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2% và 15%, khác với 8,33 - 8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.
Từ cách tính toán trên, đại biểu Hà cho rằng, cách giải trình của EVN đã ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn. Do đó, bà Hà đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và báo cáo Quốc hội về vấn đề này tại kỳ họp tới.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, cử tri thì không biết tính toán cơ sở tăng giá, họ chỉ biết rằng tăng giá điện, giá xăng thì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đến đồng lương của họ. Vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cho kiểm toán, sau đó công bố rõ ràng với dân. Khi minh bạch thì cho dù tăng hay giảm dân cũng hài lòng, bởi quan trọng nhất là tính minh bạch.
Chủ tịch EVN “phản pháo”
Trước những thông tin mà ĐBQH Lê Thu Hà đưa ra, trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành khẳng định các tính toán của đại biểu Lê Thu Hà là sai.
Ông Thành cũng nhấn mạnh, EVN đã tính chính xác, từng bậc thang một, có so sánh giữa trước và sau khi tăng giá điện, đều tăng từ 8,3 - 8,4%. Cách tính giá theo thang bậc mà đại biểu đưa ra thì các số liệu không nằm trong biểu giá mà Chính phủ quy định.
Giá điện thì chỉ có giá bình quân mà Chính phủ quy định, chứ còn không có giá cơ sở nào khác. Về việc đại biểu có dẫn số liệu giá điện bậc 6 là 2.927 đồng cho 1kWh là không đúng, bởi giá điện bậc 6 đang được áp dụng chỉ có hơn 2.700 đồng.
Về việc một số ĐBQH đề nghị kiểm toán EVN để minh bạch giá điện, ông Thành cho biết, EVN đã được kiểm toán. Tuy nhiên, nếu Quốc hội yêu cầu tiếp tục kiểm toán thì EVN sẵn sàng đáp ứng.
“Tôi đồng ý với các ĐBQH rằng mục đích là thông tin minh bạch, dư luận hiểu đúng”, ông Thành bày tỏ quan điểm. Về việc ĐBQH cho rằng, khung giá điện 6 bậc như hiện nay là quá nhiều, nên nghiên cứu gộp lại, ít bậc hơn, Chủ tịch EVN cho biết sẽ nghiên cứu để có đề xuất hợp lý hơn. Hiện EVN đang tập hợp ý kiến khách hàng, phân tích trên số liệu thực tế trên các bậc thang, từ đó có đề xuất mới.