Ngày làm việc thứ Mười, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Lo ngại diễn biến dịch tả lợn châu Phi

GD&TĐ - Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục buổi làm việc cuối của phiên thảo luận KT-XH, một số bộ trưởng được mời giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm. 

Toàn cảnh ngày làm việc thứ Mười tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh
Toàn cảnh ngày làm việc thứ Mười tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH, đồng thời, thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp. Các thành viên Chính phủ đã phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đáng chú ý từ đầu phiên thảo luận (30/5), nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo lắng với việc bùng phát dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến chăn nuôi của nhiều địa phương. Trong phần giải trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là dịch bệnh hết sức nguy hiểm, diễn biến khó lường.

Thực hiện nhóm giải pháp đối phó dịch bệnh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là vấn đề rất lớn, chưa từng xảy ra ở nước ta. Dịch bệnh hết sức nguy hiểm khi tấn công vào đàn lợn sẽ gây chết 100%. Loại virus này tồn tại trong điều kiện thời tiết bình thường và lây truyền rất nhanh qua nhiều con đường. Nguy hiểm hơn, đến nay chưa có thuốc phòng và chữa bệnh. Chăn nuôi lớn chiếm cơ cấu gần 10% trong cơ cấu nông nghiệp (1 triệu tỉ đồng). Hiện nay thịt lợn chiếm 70% thực phẩm trong bữa cơm của người dân. Và đây là khu vực giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ dân nhỏ lẻ và khoảng 10.000 hộ chăn nuôi trang trại.

Khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, Chính phủ và ngành nông nghiệp đã có công điện khẩn, họp trực tuyến với các địa phương để cảnh báo, bàn biện pháp, xây dựng kịch bản ngăn chặn dịch bệnh này. Tuy nhiên, đáng tiếc do biên giới kề cận của nước ta với Trung Quốc nên sau khi ổ dịch đầu tiên bùng phát ở Hưng Yên, dù có kịch bản ứng phó, nhưng dịch bệnh đã lan nhanh ra 48 tỉnh, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã, với đàn lợn tiêu hủy đến thời điểm này là hơn 2 triệu con, tổng 117 nghìn tấn, chiếm 6,5% tổng đàn lợn. Đây là thiệt hại vô cùng lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, điều kiện chăn nuôi liên kề như hiện nay, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả thì bệnh sẽ tiếp tục lan nhanh và bùng phát trở lại những ổ dịch 30 ngày không phát bệnh. Do vậy, Chính phủ và ngành nông nghiệp đã đưa ra những nhóm giải pháp để đối phó dịch bệnh như: Ngăn chặn không để lan tỏa bằng biện pháp an toàn vệ sinh; giảm thiệt hại bằng tuyên truyền kêu gọi người dân không quay lưng với thịt lợn sạch; không tăng đàn và tập trung thúc đẩy những nhóm tăng trưởng khác như chăn nuôi gia súc để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, tập trung vào thúc đẩy nhanh nghiên cứu vắc xin phòng bệnh.

Luật cần tương thích với quá trình hội nhập

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 2 luật này để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với các văn kiện liên quan, đặc biệt là ủng hộ việc thông qua dự thảo Luật theo quy trình rút gọn tại 1 kỳ họp.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã cụ thể hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết, đồng thời tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; điều kiện, trách nhiệm mua và thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; việc xác định hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ phải áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới... Cùng đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm vì có nhiều nội dung chưa được đề cập đến trong việc sửa đổi lần này.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thay mặt Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp giúp Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật. Báo cáo cụ thể về một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Ban soạn thảo đã rà soát cẩn trọng các bộ luật có liên quan đến Luật này, đối chiếu, so sánh không chỉ Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà còn với các công ước mà chúng ta đang tham gia. Về cơ bản, những nội dung trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đã được cập nhật và có sự chuẩn bị trước sao cho phù hợp, tương thích đối với quá trình hội nhập và những cam kết quốc tế mà chúng ta sắp ký kết.

Bộ trưởng khẳng định, sau phiên làm việc này, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ, cẩn trọng rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến nhằm hoàn thiện Luật, bảo đảm sự hiệu quả trong quá trình thực thi Luật sau khi được ban hành.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh báo cáo, giải trình thêm với các đại biểu Quốc hội về một số vấn đề nhưng Đoàn Chủ tọa thấy rằng, đây là những vấn đề rất chuyên sâu, chuyên môn và các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ