Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Nhiều băn khoăn về chất lượng, sản lượng nông nghiệp

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Nhiều băn khoăn về chất lượng, sản lượng nông nghiệp

(GD&TĐ) - Từ chiều 12/6, một trong những nội dung trọng tâm, nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cử tri và nhân dân cả nước tại kỳ họp thứ 5 đã được Quốc hội (QH) triển khai: Chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ đầu tiên “đăng đàn” trả lời chất vấn QH trong kỳ họp này. Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã thảo luận ở hội trường về: Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn trước Quốc hội
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chiều 12/6, trước phiên chất vấn, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ (UBTV) QH Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII.

Băn khoăn về sản lượng nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nhận được 21 câu hỏi kiến nghị gửi tới trước phiên chất vấn này, tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: Biện pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm, tăng xuất khẩu nông sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; và công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) đề nghị Bộ trưởng làm rõ các giải pháp khi nông sản (mà cụ thể là ngành Chăn nuôi) hiện nay đang bị cạnh tranh gay gắt, sản phẩm khó tiêu thụ khiến cho nông dân chịu nhiều thiệt thòi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng nhiều nông sản vẫn ở mức chưa cao như lúa gạo chất lượng trung bình khá, cà phê, hay chè đều chưa đạt chất lượng cao. Chính vì thế nhiệm vụ nâng cao chất lượng nông sản là mục tiêu đề ra trong đề án tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp. Về giải pháp khắc phục thực trạng này, Bộ trưởng cho biết sẽ đầu tư nghiên cứu phát triển kỹ thuật và phát triển cơ sở hạ tầng.

Cũng bày tỏ sự quan tâm đối với các giải pháp đột phá để phát triển ngành Nông nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp đột phá giúp cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, giúp cho người nông dân tăng thu nhập. Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành đang thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn. Xây dựng đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Trước mắt khi vào vào vụ mùa, Bộ đã cấp tốc mua 1 triệu tấn gạo để tạm trữ. Bên cạnh đó thúc đẩy các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, giữ giá cho bà con. Về lâu dài, Bộ nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật, nâng cấp thiết bị, nhằm tăng năng suất, giảm giá thành đầu tư. Bộ và các cơ quan hữu quan tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, giúp cho nông dân sản xuất ổn định…

Bất cập nguồn nguyên liệu cho nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TPHCM) đặt vấn đề hiện tại có dư luận cho rằng còn con giống, thức ăn gia súc gia cầm, vacxin phòng chống bệnh dịch phần lớn phải nhập. Vậy, Bộ trưởng cho biết chất lượng con giống, cây giống cụ thể ra sao? Liệu nền nông nghiệp của nước ta có nguy cơ lệ thuộc vào nước ngoài hay không, khi phải nhập khẩu quá nhiều như vậy?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Hiện ngành vẫn chủ động đầu vào, về các loại giống cây trồng vật nuôi về cơ bản chúng ta sản xuất ở trong nước. Đồng thời khẳng định, thông tin nói 60 - 70% con giống, cây giống được sản xuất ở nước ngoài là thông tin không chính xác. Chẳng hạn về giống lúa, theo Bộ trưởng, hầu hết do chúng ta tự sản xuất lấy, do các nhà khoa học Việt Nam lai tạo, chọn giống khi tiếp nhận nguồn gen từ Viện Lúa quốc tế, chọn lọc và nhân ra phổ biến cho nhân dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát cũng thừa nhận ở miền Bắc có trồng lúa lai, có nhập khẩu 70% giống lúa lai của Trung Quốc. Trong đó các nhà khoa học trong nước vẫn chọn tạo ra các giống lúa lai, tuy nhiên các giống lúa lai của chúng ta sản xuất ra vẫn chưa có chất lượng bằng các nước bạn, nên tiếp tục phải nhập khẩu. Còn các giống cao su, cà phê… chúng ta vẫn tự lai, chọn.

Về các giống cây trồng, con vật nuôi khác, Bộ trưởng Phát cho rằng chất lượng, cũng tùy từng cây từng loại, có loại tốt, nhưng cũng có loại còn thua kém. Như giống cà phê của chúng ta năng suất hàng đầu thế giới, nhưng chất lượng vẫn thua kém các nước khác. Đối với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật: Do không có nguồn kali nên hàng năm phải nhập số lượng lớn phân kali. Nhưng ngược lại, chúng ta có hệ thống nhà máy phân đạm phát triển mạnh nên tự chủ được 2/3 nhu cầu về phân đạm…

Trước đó, trong phần trả lời các câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm, liên quan đến vấn đề quản lý thuốc, bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc giá, thuốc kém chất lượng, Bộ trưởng cũng đã nhận định đây là vấn đề bức xúc đối với ngành Nông nghiệp, và thời gian vừa qua Bộ đã phối hợp với các bộ ngành để xây dựng hành lang pháp lý. Như thuốc bảo vệ thực vật, Quốc hội đã có pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tham mưu để chính phủ ban hành 7 nghị định, 3 thông tư để ban hành pháp lệnh, tiến tới nâng lên thành luật. Trên cơ sở hành lang pháp lý còn tiến hành nâng lên thành luật.

Các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ được tiếp tục trong nửa đầu phiên làm việc sáng nay 13/6. Các phiên làm việc này đều được phát thanh, truyền hình thực tiếp trên cả nước.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ