Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Khuyến khích người dân bảo vệ, phát triển rừng

GD&TĐ - Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Đề cao vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ và phát triển rừng; quy trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ rừng… là những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Dương Tấn Quân đóng góp ý kiến
Đại biểu Dương Tấn Quân đóng góp ý kiến

Nghiên cứu giao, cho thuê rừng phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Bày tỏ sự bức xúc khi rừng ngày càng bị tàn phá, đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) chỉ rõ thực tế rừng ngày càng bị tàn phá bởi bàn tay con người. Rừng tự nhiên tại Tây Nguyên ngày càng ít, thay thế bằng những rừng trồng cao su. Trong khi đó, “cây cao su không thể dùng phủ xanh đồi trọc được vì thải ra khí CO2, không con gì tồn tại được trong rừng cao su”, đại biểu Hà nói. Thực tế tại Tây Nguyên, đất rừng còn bị đào bới mang đi bán. Trước hiện trạng đó, đại biểu Ksor Phước Hà đề nghị cần xử lý việc lấy đất rừng như việc lấy cây rừng.

Nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đề xuất nghiên cứu bổ sung nguyên tắc ưu tiên giao rừng cho ĐBDTTS.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) nêu ý kiến không có lực lượng nào bảo vệ rừng tốt hơn là người dân đang sống với rừng. Luật cần quy định rõ chính sách đầu tư trong lâm nghiệp theo hướng khuyến khích người dân bảo vệ, phát triển rừng, bổ sung chính sách đặc thù cho các khu vực trọng yếu sao cho họ sống được nhờ rừng.

Về đề nghị của các đại biểu ưu tiên giao rừng cho ĐBDTTS, giao rừng gắn với giao đất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để việc giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Chỉ rõ trách nhiệm cá nhân khi rừng bị phá, cháy

Đề cập tới trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, đại biểu Ksor Phước Hà cho rằng dự thảo luật chưa chỉ rõ người chịu trách nhiệm cụ thể khi rừng bị phá, cháy rừng và mất rừng, đại biểu bổ sung thêm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm chính đối với các vụ cháy rừng, phá rừng thuộc phạm vi, địa bàn mình quản lý.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) bày tỏ băn khoăn về quy định thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Theo đại biểu Thắng, hiện nay, lực lượng kiểm lâm có chuyên môn, có chức năng quyền hạn rõ ràng, được trang bị công cụ hỗ trợ mà còn khó khăn trong việc bảo vệ rừng thì lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với những quy định khái quát trong dự thảo sẽ không đủ thẩm quyền xử lý vi phạm. Họ không có công cụ hỗ trợ, hoạt động độc lập không có sự phối hợp với kiểm lâm thì sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Về đối tượng chủ rừng trong dự thảo luật có phải chủ sở hữu rừng hay không, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu quan điểm Ban soạn thảo cần cân nhắc đưa vào dự thảo luật quyền của chủ rừng đến đâu bởi nếu không nêu cụ thể các quyền của chủ rừng có thể dẫn đến nhầm lẫn chủ rừng có các quyền của người sở hữu rừng.

Trong ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với 83,10% số phiếu tán thành đối với ông Lê Hồng Quang, sinh năm 1968, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1966, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ