Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Cần chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao

GD&TĐ - Ngày 2/6, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); thảo luận về dự án luật này.

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Giao đóng góp ý kiến
Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Giao đóng góp ý kiến

Đẩy mạnh liên kết nghiên cứu - ứng dụng

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ dự án Luật lần này ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ cho phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia và công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh; bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong hoạt động chuyển giao công nghệ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Dự án Luật cũng đề cao hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ý tưởng công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển tổ chức trung gian, hoạt động liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ và cơ sở giáo dục đại học, cơ sở sản xuất; chú trọng hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước…

Cần bổ sung chính sách đồng bộ

Đóng góp cho dự án Luật này, đại biểu K. Nhiễu (Lâm Đồng) kiến nghị, dự án Luật cần bổ sung các chính sách đồng bộ để khuyến khích sáng tạo, tạo nguồn cung công nghệ để các viện, trường, Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các đề tài cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Chung băn khoăn về chính sách, đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Dương) cho rằng: Quy định về các chính sách của Nhà nước trong dự án Luật còn mang tính chung chung, chưa có chính sách đột phá trong việc ưu tiên chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, phục vụ cho phát triển sản xuất sản phẩm trọng điểm, đặc biệt là trong công nghệ phục vụ quốc phòng an ninh.

Để thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) kiến nghị: Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến đang làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia tích cực vào chuyển giao công nghệ. “Cần có chính sách trọng dụng thực sự hấp dẫn, thiết thực, thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có “bí quyết” công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để chuyển giao vào nước ta” - đại biểu Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) đặc biệt quan tâm tới việc ngăn chặn kịp thời công nghệ lạc hậu tràn về Việt Nam. Đại biểu Giao nêu kiến nghị dự án Luật cần có chế tài xử lý những doanh nghiệp cố tình mua những công nghệ đã lạc hậu; nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định công nghệ trước khi chuyển vào Việt Nam.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá dự án Luật đã được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia; ưu tiên, khuyến khích phát triển các công nghệ, tạo ra sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, hạn chế công nghệ lạc hậu nhập khẩu vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ