Hai luồng ý kiến về chính sách tài chính
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật về Hội, ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho biết hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về chính sách tài chính đối với hội.
Về chính sách tài chính đối với hội của dự thảo Luật quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của dự thảo Luật, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ (cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về hội), hiện nay, cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều; do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định này của dự thảo Luật là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể phục vụ hoạt động của các hội trong điều kiện hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí.
Việc quy định các trường hợp đặc biệt có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.
Băn khoăn hình thành cơ chế xin - cho
Góp ý về quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu ý kiến, nếu quy định như vậy chắc chắn sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hội này, nhất là trong bối cảnh phải tự chủ tài chính.
Hơn nữa, hiện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của 4 hội quốc tế, là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ quốc tế, như vậy sẽ vi phạm quy định theo dự thảo Luật.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, tình trạng các hội nhận viện trợ, tài trợ từ nước ngoài, nhất là các hội về khoa học, kỹ thuật và chuyên ngành khác hiện khá phổ biến, do đó Luật không nên quy định quá khắt khe trong lĩnh vực này.
Một số ý kiến khác băn khoăn việc dự thảo Luật về Hội quy định các “trường hợp đặc biệt” mới được nhận tài trợ nước ngoài có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành quy định của dự thảo Luật và cho rằng quy định như vậy là cần thiết nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân...