Kỳ họp 3, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng

GD&TĐ - Chiều 16/6, ngay sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp 3, Quốc hội khoá XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – thông tin: Sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Trước yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội cũng đã linh hoạt điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp; quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường để thông tin rộng rãi hơn, đảm bảo các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân (đã nâng từ 13 phiên họp lên 19 phiên họp với tổng thời lượng là 62 giờ). Qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội.

Các nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp này đều đạt sự đồng thuận rất cao; mặc dù bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và thời gian kỳ họp như dự kiến.

Ông Tuấn cho hay: Qua 6 phiên thảo luận tổ, 23 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường đã có 2.138 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận (trong đó có 1.484 lượt đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ; 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại phiên thảo luận tại hội trường).

Tại 5 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đã có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm.

Nhìn chung, các ý kiến phát biểu ngắn gọn, súc tích, có chất lượng, thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng của các vị đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm trình Quốc hội với chất lượng cao nhất. Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Kết quả của Kỳ họp khẳng định: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, chủ động, tích cực phối hợp để kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện Quốc hội luôn đại diện cho trí tuệ toàn dân, không ngừng đổi mới, cống hiến và hành động vì lợi ích của cử tri, Nhân dân và đất nước.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua một số dự án luật và các nghị quyết gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ;

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa được ban hành để thể chế hoá Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 28/01/2022; Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Ngoài ra, Quốc họi cho ý kiến về một số dự án luật gồm: Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quốc hội cũng thảo luận, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; trong đó, điều chỉnh Chương trình năm 2022 để bổ sung 6 dự án luật; lùi thời gian trình 1 dự án luật; đổi tên 1 dự án luật.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV cũng hoàn thành nhiều nội dung quan trọng khác.

Chương trình năm 2023 gồm 14 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết. Nghị quyết là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan triển khai công tác xây dựng pháp luật, đồng thời cũng là triển khai thực hiện Kết luận số 19/KL-TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.