Ngày 16/6, bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

GD&TĐ - Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 16/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 15/6/2022. Ảnh: Quochoi.vn
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 15/6/2022. Ảnh: Quochoi.vn

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ;  Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi);  Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa;  Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1);

Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua: Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Trước đó, sáng 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 457 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,77% tổng số ĐBQH), trong đó có 453 đại biểu tán thành (bằng 90,96% tổng số ĐBQH); có 04 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,80% tổng số ĐBQH).

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 23 ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó, nhiều ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về dầu khí.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự thảo Luật; chính sách thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức ngoài nước để phát triển ngành dầu khí; công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí; căn cứ pháp lý để điều tra, khai thác các dạng năng lượng mới, các nguồn dầu khí phi truyền thống; phân công phân cấp quản lý nhà nước về dầu khí; phê duyệt, thời hạn hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng dầu khí; lựa chọn nhà thầu và hình thức lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng dầu khí; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hợp tác quốc tế trong hoạt động dầu khí; thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Chiều 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 467 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,78% tổng số ĐBQH), trong đó có 449 đại biểu tán thành (bằng 90,16% tổng số ĐBQH); có 14 đại biểu không tán thành (bằng 2,81% tổng số ĐBQH); có 04 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,80% tổng số ĐBQH).

Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 437 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 87,75% tổng số ĐBQH), trong đó có 424 đại biểu tán thành (bằng 85,14% tổng số ĐBQH); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1% tổng số ĐBQH); có 08 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,61% tổng số ĐBQH).

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tại phiên thảo luận đã có 07 ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó, đa số các ý kiến nhất trí với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị rà soát để bảo đảm sự thống nhất với các luật khác, cụ thể hóa tối đa trong dự thảo Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng trong thực tiễn; rà soát, quy định thêm nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, chế tài xử lý vi phạm trong quản lý, phân bổ, sử dụng các khối băng tần, giới hạn tổng độ rộng băng tần để tránh lãng phí hoặc tích tụ độc quyền tần số không hợp lý.

Các ý kiến đề nghị quy định cụ thể, tách bạch giữa phương thức đấu giá, phương thức thi tuyển và phương thức cấp phép trực tiếp; điều kiện, thẩm quyền quyết định việc áp dụng đối với từng phương thức; làm rõ khái niệm băng tần có giá trị thương mại cao để có căn cứ thực hiện đấu giá; giải pháp để thực hiện việc đấu giá; đối tượng, điều kiện tham gia đấu giá; quy định cụ thể về cấp lại giấy phép sử dụng.

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể để bảo đảm quốc phòng, an ninh chủ quyền số quốc gia đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài khi tham gia đấu giá hoặc thi tuyển băng tần; rà soát, nghiên cứu kỹ chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện, phân bổ mục đích quốc phòng, an ninh được kết hợp cho mục đích phát triển kinh tế; có cơ chế giám sát, kiểm tra; quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ