Những phiến đá độc nhất vô nhị này được tìm thấy vào năm 2013 bởi nhà khảo cổ học Aleksandr Peresyolkov và con trai ông là Ruslan Peresyolkov. Tuy nhiên mãi gần đây nguồn gốc của chúng mới được xác định.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những khối đá này là vật thể nhân tạo do tổ tiên của chúng ta tạo thành, chứ không phải các vết nứt đá tự nhiên, bởi lẽ đường nét của chúng đều rất rõ ràng, bề mặt nhẵn mịn.
Đầu rồng được khắc trên khối đá granite nặng 120 tấn, được cho là hình ảnh cổ xưa nhất từng được biết đến về loài sinh vật huyền bí này tại Nga. Khối cự thạch này bao gồm 6 phần, dài từ 1,3 tới 2,1 mét.
Nằm gần khối đá hình rồng là tảng đá hình điểu sư
Một khối đá khác thì tạo thành hình sinh vật mình sư tử đầu chim bí ẩn, có hộp sọ và mỏ rõ nét, con mắt khoét sâu thành hốc và bờm lông dài.
Theo các nhà nghiên cứu, cổ của con vật có thể quan sát rõ, còn phần còn lại có lẽ nằm ẩn dưới đất. Tảng đá hình chim này dài 5,9 mét và cao trên 2,5 mét.
Điều còn chưa rõ ở đây chính là cách thức và lý do người tiền sử tạo ra chúng.
“Phức hợp cự thạch trên núi Mokhnataya được tạo ra trong giai đoạn chưa rõ của Kỷ Đồ đá, trước khi kết thúc kỳ đóng băng Wurm”, ông Ruslan Peresyolkov nói.
Kỳ đóng băng Wurm, hay còn được biết đến rộng rãi hơn là Kỷ Băng hà, là giai đoạn đóng băng sau cùng, kết thúc trong khoảng năm 9700 – 9600 trước Công nguyên. Để tìm ra mốc thời gian chính xác hơn cần phải nghiên cứu chi tiết hơn nữa.
Theo ông Aleksandr Peresyolkov, phát hiện này có thể làm thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về cách nhân loại hình thành.