Biển “nuốt” làng
Những năm qua, mỗi mùa mưa bão, nhìn những con sóng dữ liên tiếp đổ ập vào bờ. Hàng trăm hộ dân sống ven bờ biển xã Kỳ Lợi đều nơm nớp lo âu. Dù đã hợp lực tìm mọi cách gia cố bờ biển bị sạt lở để giữ đất, giữ làng nhưng tất cả chỉ là giải pháp tình thế. Bao công sức của người dân các làng chài ở Kỳ Lợi đều bị sóng dữ cuốn phăng. Biển vẫn cứ ngày một ăn sâu vào đất liền, uy hiếp nhiều khu dân cư.
Xã Kỳ Lợi có hơn 12 km bờ biển, trong đó có hơn 4 km thuộc 3 thôn Hải Thanh, Hải Phong 1 và Hải Phong 2 với gần 1.000 hộ dân (3.400 nhân khẩu). Nhiều năm trở lại đây, biển xâm thực đã ăn sâu vào đất liền gần 150 m. Nhiều nhà cửa, tài sản của người dân đang đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi ra biển.
Theo tính toán của cơ quan chức năng Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm, nước biển ăn sâu vào đất liền tại xã Kỳ Lợi từ 5 - 7 m. Đặc biệt, trong trận mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2020, bờ biển 3 thôn Hải Phong 1, Hải Phong 2 và thôn Hải Thanh tiếp tục bị nước biển lấn sâu thêm 8 m. Tại các điểm sạt lở dọc tuyến bờ biển, hàng loạt cây phi lao đã bị sóng biển quật ngã bật gốc, bờ cát bị sạt lở dựng đứng “ăn” vào sát khu dân cư.
Chứng kiến thực trạng này, nhiều hộ dân sinh sống dọc khu vực bờ biển không khỏi lo âu. Ngôi nhà ông Thông Văn Cường (SN 1958, thôn Hải Thanh) chỉ còn cách khu vực sạt lở chưa đến 20 m. Mỗi lần mưa lớn, gia đình ông lại khăn gói tìm chỗ trú ẩn vì lo sợ ngôi nhà sẽ bị biển “nuốt” bất kỳ lúc nào.
Chỉ vào những mố đất bị sạt, ông Cường cho biết: “Trước đây biển còn cách nhà tôi cả mấy trăm mét. Nhưng gần chục năm lại đây nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền. Người dân và chính quyền địa phương chỉ biết dùng rọ đá gia cố tạm thời nhưng không ăn thua. Nhất là mấy đợt mưa bão vừa qua, tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Có hôm nghe đất đá đổ ẩm ầm cả nhà tôi kinh hãi phải bỏ chạy trong đêm”.
Ngoài ra, việc nước biển ăn sâu vào đất liền còn khiến nhiều ngư dân lo lắng vì khu vực neo đậu thuyền có nguy cơ bị sóng biển cuốn phăng. Mỗi lần thủy triều lên, người dân ở các thôn phải kéo thuyền sâu vào trong bờ. “Trước đây, chỉ cần vài người là có thể di chuyển thuyền đến nơi trú đậu an toàn. Nhưng hiện nay do sóng đánh vào bờ có khi hơn 10 m nên chúng tôi phải cần đến 10 ngư dân mới kéo được vào bờ”, bà Trương Thị Niệm (thôn Hải Phong), cho hay.
Nhiều doanh nghiệp, công trình xây dựng tại khu vực này cũng chịu tình trạng tương tự. Khu vực Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng chỉ còn cách điểm sạt lở gần nhất chưa đến 100 m. Theo Ông Trần Quốc Phùng, cán bộ phòng an toàn cho biết, cách đây khoảng 5 năm, công ty cách bờ biển khoảng 500 m. Tuy nhiên, những điểm sạt lở ngày càng lấn sâu vào khu vực mặt tiền công ty.
Sẽ di dời dân đến nơi ở mới
Trước thực trạng xâm thực, sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị đề xuất phương án xây kè, đê biển và khảo sát số hộ dân trong vùng nguy hiểm bị sạt lở để trình các cấp xem xét, hỗ trợ kinh phí di dời đến vùng an toàn. Tuy nhiên, do đặc thù địa phương nằm trong quy hoạch di dời, tái định cư, mặt khác do đường bờ biển dài, kinh phí để xây bờ kè, đê biển quá lớn nên chính quyền các cấp chưa có phương án thống nhất.
Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ biển tại xã Kỳ Lợi đã xảy ra trong nhiều năm qua. Chính quyền địa phương đã nhiều lần gửi các văn bản đề nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản thống nhất”.
Hiện, cả 3 thôn Hải Phong 1, 2 và Hải Thanh đều nằm trong vùng quy hoạch KKT Vũng Áng để xây dựng trung tâm Logistic. Phía UBND TX Kỳ Anh đã tiếp tục đề xuất phương án di dời hơn 1.000 hộ dân ở đây.
Cũng theo ông Vượng, không những 3 thôn trên mà toàn bộ xã Kỳ Lợi nằm trong quy hoạch chung của Khu kinh tế Vũng Áng nên sẽ phải di dời toàn bộ. Tại cuộc họp gần đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang lên phương án sẽ phân bổ hơn 50 tỷ đồng di dời các hộ sạt lở đến nơi an toàn. Hiện nay, UBND xã Kỳ Lợi đã di dời được 7/10 thôn lên khu tái định cư.
“Phương án trước mắt, những hộ dân nào nguy cơ sạt lở thì sẽ di dời lên khu tái định cư. Chúng tôi đang giao cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng kiểm đếm, đền bù. Kế hoạch di dời đã có nhưng lộ trình di dời các thôn nói trên lúc nào thì vẫn chưa rõ. Tạm thời, khi các thôn chưa được di dời thì những điểm xảy ra sạt lở nặng sẽ được xử lý bằng hình thức rọ đá”, ông Vượng nói.