(GD&TĐ) - Không có nhiều điều kiện và thời gian giải trí, nhiều công nhân chọn cho mình những cách giải trí đơn giản và nhanh nhất có thể ngay tại khu trọ của mình. Từ chuyện tụ tập nhậu nhẹt, xem phim ảnh không lành mạnh, thậm chí là cặp kè sống thử đã khiến “bức tranh” đời sống công nhân tại các “đô thị thợ” vốn dĩ đầy phức tạp, càng trở nên mong manh, đầy cạm bẫy.
->> Kỳ 1: Nhặt nhạnh những “mảnh vỡ” khi phố thị lên đèn
Từ sống “nhạt”, sa đà cám dỗ
Khi các hình thức giải trí, vui chơi văn hóa lành mạnh “trống vắng” tại các KCX, KCN, việc các bạn trẻ “lạc đường” khi tìm cho mình một hình thức giải khuây là điều có thể hiểu. Có đi tìm hiểu thực tế tại các khu phòng trọ của công nhân mới thấy rõ hơn những hệ lụy và mặt trái của bức tranh tối màu nơi “đô thị thợ” khu dân cư Bình Chiểu (Thủ Đức), Vĩnh Lộc (Bình Chánh), Dĩ An (Bình Dương).
Tại nhiều phòng trọ của nam công nhân, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhếch nhác, thể hiện lối sống gấp, sống vội. Trần Thiện Vinh, một công nhân trẻ quê Hà Tây nói: “Giải trí sau giờ làm của tụi em là nhậu… Hôm nào có tiền thì lê la quán xá… “hẻo” thì gom mỗi đứa một tí, mua ít mồi về phòng lai rai xong rồi ngủ”. Nam là vậy, với nhiều nữ công nhân độc thân, chuyện yêu đương, sống thử sau chuỗi ngày dài “sống nhạt”, thiếu thốn về đời sống văn hóa - giải trí cũng là rất phổ biến.
Công nhân đi học |
Đời sống công nhân tại các khu nhà trọ quanh các KCX, KCN, “phông văn hóa” phòng trọ mang nhiều yếu tố tự phát. Không ít bạn trẻ lệ thuộc vào những hình thức giải trí cung cấp sẵn có, rẻ tiền, đầy sức cám dỗ gần nơi mình ở như: quán bia ôm, cà phê đèn mờ… để rồi phải “ôm hận” khi lỡ ham vui.
ông Trần Công Khanh, chủ tịch Công đoàn các KCX, KCN TP HCM nhìn nhận: Công nhân lao động tại các khu nhà trọ đa phần dân trí thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, cộng thêm thói quen tự do khó bỏ, không thường xuyên nhận được sự giáo dục từ nhiều phía, cho nên dễ bị kích động, lôi kéo, tham gia vào những việc làm không tốt. Thực tế tại các KCX, KCN cũng cho thấy, không ít công nhân trẻ có lối sống buông thả, thực dụng, mắc vào các tệ nạn xã hội. Tỉ lệ nữ công nhân nạo phá thai ngày càng cao… Tất cả những cám dỗ về vật chất, tinh thần đó là cạm bẫy đối với công nhân trẻ, nhất là các đối tượng lao động ngoại tỉnh, trở thành những hệ lụy về văn hóa - xã hội đáng lo ngại trong đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân các KCN.
Có đi thì mới hiểu, khát khao có được đồng lương ổn định, được tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa lành mạnh sau một ngày làm việc mệt mỏi là ao ước của đa số công nhân. Tuy nhiên, với nhiều nam, nữ công nhân chính khát khao kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, bản thân đã dẫn họ đến một lối mòn mà chẳng ai muốn bước chân vào: Sự cô đơn và tẻ nhạt. Sự tẻ nhạt ấy khiến không ít công nhân cứ lầm lũi sống trong cuộc sống tù mù, rồi dần dà chính bản thân họ triệt tiêu dần các nhu cầu giải trí đơn thuần, hoặc ngược lại họ xa chân vào những cám dỗ, chôn vùi tuổi thanh xuân khi nhận “trái đắng” từ những cuộc tình chớp nhoáng, sự hào nhoáng giả tạo, đầy cám dỗ phía sau ánh sáng của những nhà máy, các KCN.
Ước mơ và khát vọng thay đổi cuộc đời
Bản thân mỗi công nhân ngoại tỉnh khi vào TP HCM lập nghiệp đều mang trong mình những hoài vọng và ước mơ của riêng mình. Họ từ các miền quê nghèo ra TP làm việc ngoài việc tìm kế sinh nhai, mong có một cuộc sống tốt hơn thì cũng có không ít bạn trẻ mang trong mình khát vọng lập nghiệp, đổi đời. Tuy nhiên, vì những cám dỗ về vật chất và tinh thần, không ít bạn trẻ công nhân đã buông xuôi số phận… Trong những hệ lụy đau buồn của mặt trái đời sống người thợ đầy khó khăn, thiếu thốn, vẫn còn đó những tấm gương nghị lực biết định hướng cuộc sống và vươn lên.
Công nhân KCN Amata giờ tan ca |
Theo một khảo sát của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch về đời sống văn hóa tinh thần công nhân tại 13 tỉnh, TP tập trung nhiều KCN cho thấy: Hơn 60% số công nhân lao động không xem ti-vi, nghe đài, 85% không đọc sách, báo, 80% không tập thể dục thể thao thường xuyên, 65% không có nhu cầu hưởng thụ văn hóa, 65% không tham gia các hoạt động tuyên truyền, văn nghệ quần chúng. Điều này khiến công nhân trở thành một bộ phận dân cư không được hưởng thụ đời sống văn hóa tương xứng với vai trò của họ trong đời sống cộng đồng, dẫn đến tình trạng "đói" văn hóa trở nên khá phổ biến. |
Phong trào công nhân đi học tuy chưa “loang” ra nơi phần lớn công nhân tại các KCX, KCN, nhưng sự chuyển dịch trong suy nghĩ ở một số ít công nhân trong cái cách tự tìm niềm vui cho mình (đi học) phần nào cũng mang lại những tín hiệu vui về một khoảng sáng văn hóa. Bà Phạm Thị Trang, trưởng phòng “Quỹ Hỗ trợ công nhân” Ban quản lý các KCX, KCN TP HCM cho biết: Chính phong trào công nhân và doanh nghiệp cùng nhau nâng cao tay nghề, đã và đang tạo ra những “làn gió” tươi mát, hình thành nên những chuẩn văn hóa nơi cộng đồng công nhân, không gian văn hóa các khu phòng trọ. Nhiều công nhân vì điều kiện, hoàn cảnh không thể tham gia và tạo ra được không gian vui chơi, giải trí cho mình đã lựa chọn con đường học tập làm niềm vui, và không ít người đã thành công từ chính hướng đi đúng đắn của mình.
Chính sự hỗ trợ, vận động tối đa từ Công đoàn Ban quản lý các KCX, KCN cùng sự tiếp sức của “Quỹ hỗ trợ công nhân” không ít công nhân từ chỗ sa đà vào các hoạt động giải trí không lành mạnh, đã vươn lên, lĩnh hội tri thức và đặt nền tảng vững chắc cho tương lai của mình bằng con đường học vấn. Điển hình như anh Lê Thanh Phương công nhân công ty phân bón Phương Anh (KCN Tây Bắc Củ Chi). Trước khi kiên trì đến với lớp học ngành quản trị kinh doanh vào các tối 3,5,7 trong tuần suốt mấy năm ròng, hình thức giải trí của anh sau giờ làm chủ yếu là nhậu nhẹt, cà phê và đánh bài với bạn cùng phòng. Sau hơn 2 năm sống “nhạt” với đời thợ, anh đã quyết định đi học trở lại khi nhận thấy mình đang phí hoài thời gian và tuổi trẻ. “Tôi đăng ký theo học chẳng phải vì mong muốn được làm nhà quản lý cao sang gì đó. Đơn giản vì tôi kịp nhận ra, việc “giết” thời gian bằng việc học ít nhiều vẫn mang lại lợi ích cho bản thân mình nhiều hơn là xa đà vào các trò vui vô bổ. Do đó, khi nghe công đoàn công ty giới thiệu chính sách hỗ trợ công nhân vay vốn đi học từ “Quỹ hỗ trợ công nhân”, tôi đã đăng ký và được xét duyệt. Hiện giờ sau 3 năm theo đuổi việc học, cuối năm nay tôi sẽ chính thức có được tấm bằng ĐH ngành quản trị kinh doanh của ĐH Hồng Bàng. Dù việc học chưa mang lại cho tôi sự thay đổi trong công việc, nhưng tôi thấy tự tin vào bản thân mình hơn trong chặng đường sắp tới” - anh Phương chia sẻ.
Đánh giá về việc hỗ trợ và đẩy mạnh phong trào công nhân đi học, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó chủ tịch LĐLĐ TP HCM cho rằng: Với việc dành thời gian vui chơi cho hoạt động học tập, nâng cao tay nghề. Công nhân không chỉ tạo thêm cơ hội đổi đời cho chính mình, nâng cao tay nghề trong bộ máy chung của doanh nghiệp - nâng cao giá trị sản xuất, mà còn góp phần tạo thêm các giá trị cộng thêm cho xã hội, đẩy lùi những mặt tiêu cực từ việc nghèo nàn về các hoạt động văn hóa - giải trí sinh ra. Tôi đánh giá rất cao giá trị của việc này, bởi khi trong một cộng đồng, xóm trọ công nhân có vài người đi học, ắt hẳn nó sẽ mang tới những tác động tích cực trong đời sống văn hóa.
“Quỹ hỗ trợ công nhân” hiện đang có rất nhiều hình thức hỗ trợ cho công nhân trong việc tham gia học tập, nâng cao tay nghề và trình độ thông qua hàng loạt chương trình như: “tiếp sức công nhân đến trường” “chương trình học bổng dành cho công nhân tiêu biểu”, “chương trình hỗ trợ vốn vay đi học lãi suất 0%”… cùng hàng loạt các lớp học miễn phí về tin học căn bản, tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật giao tiếp cho hàng ngàn công nhân dưới sự tài trợ của Quỹ Châu Á (The Asia Foundation), Quỹ hỗ trợ công nhân TP HCM (WSF)… với số tiền hỗ trợ hàng năm lên đến hàng tỉ đồng. |
Anh Tú
Kỳ 3: Lỗ hổng cần tái thiết và xây dựng