Kỳ 1: Tìm cách xã hội hóa nhà thi đấu

Kỳ 1: Tìm cách xã hội hóa nhà thi đấu

(GD&TĐ) - Giáo dục thể chất (GDTC) ở trường học không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, trí tuệ, phát triển thể trạng một cách toàn diện mà còn là cơ sở nền tảng để xây dựng một nền thể thao mạnh mẽ. Tuy nhiên, tuy nhiên thực tế hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi dành cho các hoạt động thể thao, hoạt động ngoài trời của học sinh còn quá khiêm tốn. Trong khi đó, có những địa phương, như Cần Thơ, lại đang thừa nhà thi đấu.

TP Cần Thơ đầu tư khá bài bản cơ sở vật chất để phục vụ Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc lần thứ 8, năm 2012. Gần 877 tỉ đồng đã được chi để xây dựng, cải tạo 28 địa điểm thi đấu, trong đó có gần 18 nhà thi đấu (NTĐ) đa năng trải khắp quận huyện. Sau HKPĐ, tâm trạng chung của thầy trò là phấn khởi khi có các nhà tập luyện, thi đấu TDTT trong trường học. Nhưng sau niềm vui, nỗi lo kinh phí duy trì bài toán phát huy hết năng lực của các công trình này ập đến.

Bài toán “đầu tiên”

Thực tế nhiều NTĐ, nhà tập luyện ở Cần Thơ được các trường học sử dụng rất hiệu quả trong triển khai dạy, học môn Giáo dục thể chất (GDTC), Giáo dục quốc phòng (GDQP) và các hoạt động ngoại khóa. Không chỉ sử dụng cho việc dạy, học trong phạm vi nhà trường, các NTĐ đa năng còn hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT ở địa phương. Ngoài ra nhiều nơi còn tổ chức xã hội hóa các NTĐ với hình thức cho thuê tổ chức các hoạt động TDTT, văn hóa, giải trí ngoài giờ để trang trải chi phí hoạt động… 

Rèn luyện thể chất cho học sinh tiểu học. Ảnh: Hải Tuấn
  Rèn luyện thể chất cho học sinh tiểu học.  Ảnh: Hải Tuấn

Tuy nhiên con số các NTĐ được đầu tư xây dựng ở các trường học tự trang trải chi phí hoạt động vẫn còn rất ít, đặc biệt ở các trường thuộc vùng nông thôn, ngoại ô thành phố. Do đặc thù vùng nông thôn nên một số NTĐ đa năng không thể tổ chức xã hội hóa và cho thuê, mướn để trang trải chi phí hoạt động. Vì thế, NTĐ này gặp khó vì thiếu kinh phí để tái đầu tư, duy trì, trang trải chi phí hoạt động. Trung bình mỗi NTĐ rộng từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông, để hoạt động cần phải vận hành hệ thống điện, quạt, nước… đặc biệt là hệ thống chiếu sáng với hàng loạt đèn cao áp nên rất tốn kém chi phí. Tuy nhiên tự chủ kinh phí, trong thời buổi khó khăn, các trường vốn đã “dè dặt”, nay có thêm một NTĐ quy mô rộng lớn tốn kém thì việc chi tiêu càng dè sẻn hơn, mà xã hội hóa cũng không dễ.

Trường THCS Long Tuyền (Q. Bình Thủy) được đầu tư 9 tỉ đồng xây dựng NTĐ diện tích 600 m2 có sân khấu và sân thi đấu bóng chuyền có lót thảm. NTĐ đã tiến hành sửa chữa cho đến tháng 6/2012 mới bàn giao lại cho trường, cho đến nay chỉ được trang bị 1 bàn bóng bàn. Nhìn NTĐ hoành tráng mà nhà trường rầu lòng khi nghĩ tới khoản kinh phí cho nó hoạt động. Còn NTĐ đa năng trường THCS - THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ) được đầu tư xây dựng với tổng diện tích 1.200 m2 cũng đang thiếu kinh phí hỗ trợ điện, nước. Cả khu nhà hoành tráng mà không có nổi một nhân viên tạp vụ để vệ sinh, quét dọn…

Phát triển thể thao học đường đòi hỏi phải gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất. Ảnh: Phan Hải
Phát triển thể thao học đường đòi hỏi phải gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất.  Ảnh: Phan Hải

NTĐ đa năng trường THCS Thới Thuận (quận Thốt Nốt) cũng chưa thể XHH được, giờ chủ yếu phục vụ nhu cầu học bộ môn GDTC, các hoạt động ngoài giờ lên lớp và các hoạt động của địa phương. Nhà thi đấu đa năng Trường THCS Thới Long, quận Ô Môn cũng gặp khó khi dụng cụ, trang thiết bị chưa đủ đáp ứng yêu cầu chung…

Theo ông Nguyễn Hữu Nhân - Phó Phòng Công tác HS-SV (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cái khó hiện nay là kinh phí hoạt động. Do tự chủ tài chính, kinh phí thường phân bổ cho nhà trường trong đó bao gồm duy trì các NTĐ, trung tâm TDTT... Một số trường đội ngũ GV còn ít nên chưa phát triển phong trào TDTT và chưa tận dụng hết cơ sở vật chất hiện có…

Phát huy lợi thế sẵn có

Sau khi HKPĐ diễn ra, Sở GD&ĐT Cần Thơ đã có hướng dẫn quản lý, bảo quản và sử dụng khai thác các nhà tập luyện – thi đấu TDTT trong trường học. Đưa HS vào tập luyện thường xuyên và ưu tiên các cơ sở vật chất này cho đối tượng HS và GV. Đến nay đã thành lập ở các trường CLB bóng rổ, bóng chuyền, kéo co, đá cầu, bóng bàn… để tăng cường GD thể chất và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong đó có kế hoạch sử dụng hiệu quả hoạt động các công trình và có kế hoạch xã hội hóa hoạt động của NTĐ phục vụ HS và nhân dân địa phương sinh hoạt TDTT…

Được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ GDTC là niềm vui lớn của thầy trò tuy nhiên vấn đề đặt ra là “hậu đầu tư” sẽ sử dụng, khai thác như thế nào để phát huy hiệu quả
Được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ GDTC là niềm vui lớn của thầy trò tuy nhiên vấn đề đặt ra là “hậu đầu tư” sẽ sử dụng, khai thác như thế nào để phát huy hiệu quả

Đến nay, các NTĐ trở thành nơi tập luyện cho các đội năng khiếu của trường và HS tại địa bàn, các môn tập chủ yếu là đá cầu, bóng bàn, cầu lông, kéo co... Sở GD&ĐT hỗ trợ cung cấp trang thiết bị bổ sung cho các nhà thi đấu và chỉ đạo các phòng GD&ĐT hỗ trợ thêm kinh phí để các trường hoạt động NTĐ, các trung tâm TDTT hiện có. Đồng thời giao cho trường quản lý và tổ chức các hoạt động xã hội hóa để duy trì, phát triển các NTĐ.   

Ngoài ra, các công trình này còn là trung tâm tập luyện TDTT cho người dân địa phương. Ngoài giờ hành chính, các ngày thứ bảy, chủ nhật có một số NTĐ tổ chức cho người dân luyện tập, vui chơi thể thao theo hướng xã hội hóa để có nguồn kinh phí chi trả điện, nước, nhân công… hướng tới duy trì và phát huy các NTĐ một cách tốt nhất.  

Như Trường THCS Long Tuyền (Q. Bình Thủy) tuy khó khăn về kinh phí nhưng trường đã bắt đầu xã hội hóa để duy trì và phát triển NTĐ. Ngoài việc phục vụ công tác GDTC cho HS và phục vụ luyện tập cho GV, tổ chức các giải thi đấu, các hoạt động ngoài nhà trường. NTĐ còn mở cửa từ 17 – 20 giờ, riêng Chủ nhật hoạt động suốt ngày để phục vụ các đối tượng không thuộc nhà trường với giá khoảng 50 ngàn đồng/giờ để hỗ trợ hoạt động NTĐ. NTĐ đa năng Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ đang cho thuê ngoài giờ đối với đơn vị bên ngoài như CLB cầu lông, bóng bàn, đá cầu khoảng 100 ngàn đồng/VĐV/tháng (từ 17 giờ 30 đến 20 giờ hằng ngày). NTĐ đa năng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy đang khai thác từ 5g đến 6 giờ 45 sáng và 17 - 21 giờ hằng ngày và trọn ngày chủ nhật hằng tuần với mức hợp đồng 1 triệu đồng/tháng…       

Nguyễn Quốc Ngữ

_________________

Kỳ 2: Đi tìm giải pháp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ