Phù hợp với tình hình địa phương
Liên quan đến việc lựa chọn SGK, Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, hiện tại Hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh đang hoàn tất việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 để báo cáo về Bộ GD&ĐT.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Cụ thể, tiêu chí lựa chọn SGK của địa phương phải bảo đảm tính kế thừa, linh hoạt, ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với việc giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh tại địa phương.
Bên cạnh đó, SGK phải có tính mở, thuận tiện khi nhà trường, giáo viên bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu để phù hợp với điều kiện của từng trường học. Đồng thời, các bài học chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh tri thức.
Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến việc phát triển phẩm chất, năng lực. Ngoài ra là kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết thêm, nội dung sách giáo khoa phải giúp giáo viên tích cực hóa hoạt động học của học sinh, phát triển được năng lực tự học, hợp tác, phát triển được tư duy sáng tạo, năng khiếu, sở trường của học sinh.
Không những thế, nội dung sách giáo khoa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương. Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho sách giáo khoa đa dạng, phong phú, hữu ích, dễ khai thác sử dụng, phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục. Qua đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong việc sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.
Dạy học gắn kết nội dung với thực tiễn
Thầy Nguyễn Ngọc Huynh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Tu Mơ Rông cho biết, nhà trường đã hoàn thành việc chọn lựa SGK cho lớp 2 và lớp 6. Theo thầy Huynh, học sinh của trường đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Do đó, việc lựa chọn SGK cần bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, đời sống của các em học sinh.
Thầy Huynh cho hay, sau khi được tìm hiểu, nghiên cứu bản mẫu, giáo viên trực tiếp lựa chọn SGK của trường nhận thấy các bộ sách được trình bày hấp dẫn, thu hút học sinh. Nội dung sách được thể hiện sinh động, thúc đẩy học sinh học tập tích cực, kích thích sự sáng tạo tư duy, nhiều chủ đề được tích hợp với kiến thức phong phú, giáo viên có thể thực hiện dạy học gắn kết nội dung với thực tiễn.
Theo thầy Huynh, sau khi xem xét kĩ nội dung, nhà trường đã quyết định chọn bộ sách Cánh diều, nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh để giảng dạy cho các em học sinh lớp 2 trong năm học 2021-2022.
Bộ sách này với cấu trúc có tính mở, phù hợp với điều kiện của địa phương, linh hoạt trong việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch theo từng chủ điểm. Nội dung sách có tính mềm dẻo, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại địa phương.
Đối với môn Mỹ thuật lớp 2 và các môn lớp 6, trường chọn Bộ sách của nhà xuất bản giáo dục để giảng dạy cho các em học sinh trong năm học tới.
Còn cô Nguyễn Thị Hoàn – Phó hiệu trưởng Trường TH&THCS Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum) cho biết, sau khi nghiên cứu tổng thể 3 bộ sách giáo khoa, nhà trường nhận thấy các bộ sách, đầu sách của nhà xuất bản giáo dục phù hợp hơn với học sinh của địa phương.
Theo cô Hoàn, việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 lần này có điểm mới là giáo viên cốt cán được nghiên cứu, thẩm định trước nội dung bộ SGK. Sau khi cán bộ, giáo viên cốt cán thẩm định xong sẽ lấy ý kiến của tất cả các giáo viên. Theo đó, trường có 56 cán bộ, giáo viên tham gia nghiên cứu, lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với học sinh trong trường.