Sống khổ vì thủy điện
Chị Y Hoan (33 tuổi, thôn Đăk Wét, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết, gia đình chị sinh sống ở đây đã từ lâu. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào vài sào ruộng, mỗi năm thu hoạch được hơn 15 bao lúa. Tuy nhiên, từ ngày Thủy điện Đăk Psi 5 vận hành thì cuộc sống gia đình và nguồn thu nhập chính bị “đe dọa”.
“Vào những ngày mưa, vợ chồng mình chẳng ngủ yên, bởi lo sợ thủy điện xả lũ nước dâng cao. Đêm nào cũng vậy, vợ chồng lại thay nhau ra kiểm tra xem nước dâng đến đâu rồi, có đe dọa căn nhà hay không. Đặc biệt mình lo cho lũ trẻ con, nếu chẳng may nước lũ dâng cao không biết bơi thì nguy hiểm lắm.
Còn về hoa màu, vào năm 2021, thủy điện xả lũ đúng mùa lúa trổ đòng. Do đó, đến ngày thu hoạch nhà mình chỉ còn vỏn vẹn 4 bao lúa”, chị Y Hoan chia sẻ.
Tương tự, gia đình bà Võ Thị Vi (39 tuổi) đến sinh sống và buôn bán tạp hóa tại thôn Đăk Wét đã được 12 năm nay. Trước khi Thủy điện Đăk Psi 5 vận hành thì đơn vị này có nói với bà con rằng việc thủy điện tích, xả nước sẽ không gây ảnh hưởng đến đời sống. Thế nhưng, từ năm 2013, sau khi thủy điện đi vào hoạt động gia đình bà Vi liên tiếp bị ngập lụt.
Bà Vi nhớ, cách đây 2 năm, thủy điện xả lũ khiến căn nhà của bà ngập sâu hơn 1,2m. Khi đó, toàn bộ hàng hóa của quán bị nước nhấn chìm, làm hư hỏng với thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Mặc dù xả lũ nhưng bà Vi cho biết thủy điện không thông báo cho người dân.
Đến cơn bão số 9/2021, thủy điện thông báo cho bà con về việc xả lũ trước 1 tiếng rưỡi. Tuy nhiên, do thông báo gấp rút nên gia đình bà Vi và nhiều hộ dân khác vẫn không kịp “chạy lũ”. Sau đó vài giờ, nhà bà Vi ngập sâu, tài sản và hàng hóa cũng bị nước nhấn chìm.
“Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng nên gia đình chạy lên chỗ cao hơn để trú tạm. Khi nước rút mọi người mới về nhà dọn dẹp và kiểm tra lại hàng hóa. Thế nhưng, trong cơn lũ ấy gia đình tôi thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Dù 2 năm liên tiếp bị thiệt hại do thủy điện xả lũ nhưng gia đình vẫn chưa được hỗ trợ.
Chúng tôi mong rằng, các cấp chính quyền vào cuộc và có những phương án giải quyết dứt điểm tình trạng thủy điện xả lũ gây ngập lụt. Từ đó, bà con chúng tôi mới yên tâm sinh sống và sản xuất, cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường”, bà Vi tâm sự.
Chây ỳ đền bù
UBND xã Đăk Psi cho biết, từ tháng 9/2020 đến nay cơn bão số 6 và số 9 đã khiến nhiều diện tích cây trồng của người dân canh tác quanh lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 bị ngập lụt. Mặc dù có 62 hộ dân bị ảnh hưởng, thế nhưng Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai chỉ mới chi trả cho 13 hộ dân, nhưng mới có 7 hộ dân đồng ý với mức chi trả.
Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng có thông báo yêu cầu Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai – chủ đầu tư Thủy điện Đăk Psi 5 khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại của người dân. Đồng thời, hoàn thành công tác chi trả tiền hỗ trợ 1 lần cho các hộ bị ảnh hưởng trước ngày 30/6/2022.
Nếu sau ngày 30/6, công ty vẫn chưa hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ 1 lần cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án Thủy điện Đăk Psi 5, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung tạm dừng huy động công suất Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 5 đến khi hoàn thành việc hỗ trợ theo quy định.
Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở Công Thương. Tại đây, công ty cho rằng, Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 5 đi vào vận hành khai thác từ năm 2012.
Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2019 đã trải qua hai trận lũ lịch sử nhưng lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 không gây ngập lụt cho 62 hộ dân xung quanh lòng hồ. Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai cho rằng, năm 2020 khi thủy điện bậc 1 và bậc 2 của Thủy điện Đức Nhân đi vào hoạt động.
Hai thủy điện này xả lũ với lưu lượng lớn, lượng nước về vượt quá dung tích thiết kế 13 lần của lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 gây nên. Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai cho rằng, đây là nguyên nhân tác động trực tiếp gây nên ngập lụt cho 62 hộ dân.
Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét việc gây ngập lụt hoa màu của 62 hộ dân. Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương yêu cầu thủy điện bậc 1, bậc 2 phía thượng lưu cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ cho 62 hộ dân.
Về vấn đề này, ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, cho biết, đơn vị đã nhiều lần phối hợp cùng các sở, ban, ngành của tỉnh Kon Tum làm việc với Thủy điện Đăk Psi 5 để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân.
Tuy nhiên, thủy điện này đưa ra nhiều lý do và chây ỳ hỗ trợ. Chính vì vậy, thời gian tới huyện sẽ mời đại diện Thủy điện Đăk Psi 5 và các hộ dân bị ảnh hưởng đến làm việc trực tiếp nhằm giải quyết triệt để.
“Chúng tôi cũng đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai tiến hành đo đạc lại và áp giá đền bù để người dân không bị thiệt thòi”, ông Tiến nói.