KLAUS FUCHS – Điệp viên nguyên tử

KLAUS FUCHS – Điệp viên nguyên tử

Kỳ 7. Lọt vòng nghi vấn

(GD&TĐ) - Tại Anh, Perrin và các đồng nghiệp của Klaus đã kịp xây dựng một trung tâm nghiên cứu khoa học Harwell, gồm tổ hợp các phòng nghiên cứu và lán trại cho các nhà khoa học. Cây cối ở khu vực này bị chặt trơ trụi, khắp nơi toàn bùn đất và chằng chịt dây thép gai. Dù vậy, Klaus vẫn nóng lòng được tới Harwell và quay lại với công việc. 3 năm sau đó là những năm rất yên bình của Klaus. Trong cương vị trợ lý giám đốc, anh tiếp tục đắm mình trong nghiên cứu khoa học. Klaus vẫn tiếp tục cung cấp tin tức cho người Nga nhưng những bí mật đã không còn là bí mật nữa. Cuối năm 1947, Klaus ngừng những cuộc gặp gỡ và người Nga cũng không còn muốn giữ anh trong danh sách các điệp viên của mình.

->> Kỳ 1. Quả bom nguyên tử đầu tiên
->> Kỳ 2. Dự án bom nguyên tử Anh
->> Kỳ 3. Thời hoa niên sôi nổi
->> Kỳ 4. Nước Mỹ
->> Kỳ 5. Mối quan hệ miễn cưỡng
->> Kỳ 6. Kết thúc của Dự án Los Alamos

Một tối tháng 11/1949, Henry Armold, giám đốc an ninh của trung tâm nghiên cứu Harwell, là một đồng nghiệp gần gũi của Klaus, tổ chức một bữa tiệc tại gia. Trong lúc các nhà khoa học trò chuyện vui vẻ, Klaus kéo chủ nhà ra một góc, thổ lộ rằng anh vướng phải một số vấn đề, rằng liệu anh có nên nghỉ việc ở Harwell hay không. Arnold từng được Cơ quan Tình báo Anh MI5 cảnh báo rằng, Klaus có thể là chính là nhà khoa học hạt nhân Anh được nhắc đến trong một mật mã đã được giải. Cùng lúc đó, quân đội Mỹ và FBI đã phá được hầu hết các mật mã từ năm 1943 - 1945 mà các tình báo Nga chuyển cho Moscow, cùng các thư trả lời từ trụ sở KGB. Klaus hoàn toàn không hay biết Arnold đã theo dõi anh trong nhiều tuần.

Klaus nói rằng cha anh đã nhận làm giảng viên ở Đông Đức, việc này liệu có ảnh hưởng gì đến các quy tắc an ninh trong công việc của anh hay không? Arnold trả lời rằng với ông thì không có vấn đề gì, nhưng Klaus nên nói chuyện với William Skardon, một nhân viên M15. Ngày 21/12/1949, Arnold giới thiệu Fuchs với Skardon và để hai người nói chuyện riêng.

Trụ sở MI5 ở London
Trụ sở MI5 ở London 
 

Với chiếc tẩu trong tay, người đàn ông cao lớn nhã nhặn mời Klaus ngồi. Skardon nói rằng Klaus sẽ không gặp vấn đề gì trong việc người cha trở thành giảng viên ĐH Leipzig ở Đông Đức, tuy nhiên lại hỏi thẳng: “Có đúng là khi ở New York, anh đã không liên lạc với đại diện của người Nga, và cũng không chuyển thông tin về công việc của mình cho người đó? Có những thông tin cho rằng anh đã làm gián điệp cho Liên Xô”. Klaus phủ nhận mọi chuyện, ngoại trừ việc anh từng là thành viên của Đảng Cộng sản Đức. Skardon ngừng cuộc nói chuyện một cách đột ngột, và bảo Klaus giữ liên lạc nếu anh muốn tiếp tục “thảo luận" về vấn đề này.

Những ngày nghỉ Giáng sinh trôi qua. Klaus ngày càng lo lắng. Cuối cùng, anh lại tìm đến nhà Arnold và nói rằng anh muốn một lần nữa nói chuyện với Skardon. Arnold hứa sẽ thu xếp việc này.

Klaus tới London. Ga Paddington hoang vắng. Nước Anh vẫn chưa hồi phục sau trận chiến và London thật quạnh quẽ, nhất là trong một buổi sáng giá lạnh xám xịt tháng giêng. Klaus đi bộ đến trụ sở MI5, ngang qua một cửa hàng thuốc lá, nơi anh từng gặp gỡ và chuyển tài liệu cho “Cô gái đến từ Banbury”. Thang máy đưa anh lên tầng 3, nơi có phòng làm việc của Skardon. Klaus bước dọc hành lang với những bức tường màu be, những cánh cửa đóng chặt và khung cửa sổ đóng băng. Đến cửa phòng Skardon, Klaus hít một hơi dài và bước vào. Trước khi người nữ thư ký ngồi bên ngoài kịp cất tiếng hỏi, Skardon đã bước ra ngoài đón anh.

(Còn tiếp)

Kiều Phong 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ