Kit chẩn đoán nhanh gene kháng thuốc

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài vừa nghiên cứu thành công ứng dụng công nghệ mới phát triển kit chẩn đoán nhanh gene kháng thuốc.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài (phải) nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài (phải) nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, một trong số các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh, tăng hiệu quả điều trị là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác để có phác đồ điều trị hiệu quả.

Nữ sinh đam mê môn Sinh học

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Dù gia đình không có ai theo ngành này, nhưng nhà khoa học nữ sinh năm 1981 đã theo đuổi môn Sinh học từ năm lớp 9.

Khi học THPT, Thu Hoài chọn lớp chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Dưới sự hướng dẫn của thầy Đỗ Mạnh Hưng, năm lớp 11, Hoài đã đoạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia lớp 12. Năm sau đó, Hoài nhận giải Nhì và là 1 trong 4 học sinh tham dự Olympic sinh học quốc tế tại Upsala, Thụy Điển (năm 1999).

Những thành tích và đam mê từ bậc phổ thông đã khiến nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hoài được tuyển vào chương trình cử nhân khoa học tài năng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà chọn chuyên ngành hóa sinh và luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình.

“Được sự giảng dạy và hỗ trợ của những thầy cô tâm huyết, uyên bác và tuyệt vời, tôi đã xác định rõ ràng con đường của mình là khám phá khoa học và được trở thành người giống như thầy cô của mình. Tôi chọn học ngành Hóa Sinh vì chuyên ngành này có tính ứng dụng cao, hơn nữa, vì yêu thích môn Miễn dịch học do thầy hướng dẫn của bộ môn Hóa Sinh giảng dạy” - nhà khoa học nữ kể.

Nhận bằng tiến sĩ tại Đức 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học, Thu Hoài tự nhận con đường nghiên cứu khoa học của mình nhiều may mắn và thuận lợi. “Thời gian làm tiến sĩ tôi được đi khắp châu Âu, gặp những con người đáng mến, luôn có sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Nhưng vì quá thuận lợi, nên tôi cảm thấy đây là giai đoạn mình bắt đầu thiếu sự nỗ lực cần thiết” - bà chia sẻ.

Bằng tiến sĩ dành cho cô gái 27 tuổi mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu, tuy nhiên Thu Hoài chưa từng nghĩ tới việc ở lại Đức hay bất kỳ quốc gia nào khác mà luôn muốn ở Việt Nam làm việc và cống hiến.

TS Thu Hoài quay trở lại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội sau đó đến Viện Sức khỏe quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) học hỏi một thời gian ngắn, rồi tiếp tục đến Bỉ nghiên cứu chuyên sâu. Về lý do chọn Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) để công tác, TS Hoài cho hay vì ở đó có những đồng nghiệp giỏi giang, xuất sắc, lại cởi mở, trìu mến, môi trường làm việc tuyệt vời.

Kit truy tìm gene kháng kháng sinh

Kháng kháng sinh hiện được xem là vấn đề y tế nghiêm trọng vì nó tạo ra tác động lớn đến hiệu quả điều trị, tỷ lệ sống và làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tạo thêm gánh nặng xã hội. Đến năm 2050, kháng kháng sinh ước tính sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm nếu không có sự can thiệp hiệu quả. Một trong số các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh, tăng hiệu quả điều trị là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác nhằm trợ giúp việc đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Đồng thời có biện pháp cách ly giảm lây lan các chủng đa kháng, toàn kháng.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài vừa nghiên cứu thành công ứng dụng công nghệ mới phát triển kit chẩn đoán nhanh gene kháng thuốc. Bà cho biết, mỗi khi có thuốc mới, ngay lập tức sẽ phát triển các vi sinh vật kháng thuốc.

Vì vậy, bà đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ khuếch đại acid nucleic mới được phát triển gần đây để phát triển kit truy tìm gene kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa hỗ trợ trong điều trị.

Trực khuẩn mủ xanh P. aeruginosa là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng, cả cấp tính và mạn tính. Các nghiên cứu cho thấy nó là nguyên nhân số một gây ra viêm phổi và suy hô hấp.

Vi khuẩn này cũng là một trong sáu nhóm loài thuộc danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc của nó.

PGS Hoài ứng dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ có độ nhạy, độ chính xác cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và khả năng hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Mục đích phát triển kit chẩn đoán để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gene kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng.

Khi xác định được gene kháng thuốc ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị, thao tác cẩn thận và cho cách ly họ để không gây ảnh hưởng đến bệnh nhân khác. “Vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan nhanh cho các bệnh nhân khác. Khi đó sẽ rất nguy hiểm vì việc sử dụng thuốc điều trị không còn tác dụng do bị kháng lại”, TS Hoài nói.

Hiện nay để kiểm tra bệnh nhân có kháng thuốc hay không, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp nuôi cấy vi khuẩn. Tức là sẽ cho vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh đang điều trị. Nếu vi khuẩn bị ức chế, thuốc điều trị có tác dụng, ngược lại là đang kháng thuốc.

Cách này mất khoảng hai ngày để biết kết quả. Theo PGS Hoài, khi sử dụng kit sẽ cho kết quả ngay lập tức trên mẫu lâm sàng. Phương pháp này ưu điểm là nhanh. Trên thế giới chưa có nghiên cứu nào ứng dụng phương pháp này.

PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ mới, do đơn vị chưa có tiền mua máy móc nên sẽ sử dụng nguồn lực của đối tác để thực hiện. “Còn về quy trình và các phương thức chẩn đoán kháng thuốc thì tôi đã nghiên cứu khi còn công tác tại Viện Nghiên cứu thuốc Louvain, Trường Đại học Công giáo Louvain, Vương quốc Bỉ từ năm 2010 và nghiên cứu tiếp nối về cơ chế kháng thuốc tại Viện Nghiên cứu dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, Viện Sức khỏe quốc gia, Mỹ 2020”, TS Hoài cho hay.

“Vì đây là công nghệ mới nên đầu tư ban đầu rất lớn, nhưng khi thành công có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp, giá sẽ rẻ và có thể kiểm tra kết quả realtime”, bà nói và cho rằng tự tin về kết quả đầu ra.

Với một nghiên cứu mới, chứng minh là thành công chỉ cần có mẫu thử và chạy ra kết quả. Nhưng để đưa vào ứng dụng trong cộng đồng, TS Hoài dự tính có thể mất 5 năm, thậm chí nhiều hơn.

Cùng với đó sẽ phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác nữa. TS Hoài cho biết sẽ theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để mang lại giá trị cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

mua Thuốc da liễu chính hãng giá tốt thuốc tagrix 80mg