Thành phố Hồ Chí Minh lập kế hoạch từng bước mở cửa lại các chợ truyền thống

GD&TĐ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết thành phố đang xây dựng kế hoạch từng bước mở cửa lại các chợ truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc. Ảnh: Vân Anh
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc. Ảnh: Vân Anh

Tại cuộc họp báo cung cấp một số thông tin mới nhất trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trao đổi về hoạt động cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, Sở đã làm việc với các Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt các vướng mắc và cùng tháo gỡ, nhất là trong việc xét nghiệm, tiêm vắc xin tại các đơn vị. Lực lượng shipper và hệ thống phân phối hàng hóa đều đang được khẩn trương hoàn thành công tác tiêm vắc xin.

Trong chuẩn bị nguồn hàng, Sở Công Thương đã tổ chức các điểm trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối với khối lượng khoảng 300 tấn/ngày để cung ứng cho toàn thành phố.

Đồng thời, rà soát các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống để xem xét tổ chức lại các đơn vị đang phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 theo tiêu chí an toàn của thành phố.

Về hệ thống phân phối, các kênh “đi chợ hộ”, “siêu thị 0 đồng”, “chợ nghĩa tình”… vẫn đang được thực hiện, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Để chuẩn bị cho thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá các nguy cơ, khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động trở lại các chợ đầu mối nông sản trên địa bàn; xây dựng kế hoạch từng bước mở cửa lại các chợ truyền thống; xây dựng các mô hình hoạt động bền vững hơn.

Bên cạnh đó, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, các hội nghề trên địa bàn thành phố để hướng dẫn tổ chức xây dựng phương án phù hợp hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn với dịch bệnh.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là 45.180 lượt hộ, giảm 4,7% (tương đương giảm 2.228 lượt hộ so với ngày hôm trước). Đây là mức nhu cầu đăng ký trong ngày thấp nhất kể từ khi bắt đầu triển khai Chương trình (ngày 23/8/2021: nhu cầu đăng ký đạt 51.188 lượt hộ).

Kết quả thực hiện: có 46.102 lượt hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 102,0% số hộ đăng ký.

Gói hỗ trợ đợt 3: Rà soát, cập nhật xong phần nào sẽ triển khai chi hỗ trợ phần đó

Liên quan đến gói hỗ trợ đợt 3, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay các Sở, ngành, địa phương đang rất khẩn trương để triển khai thực hiện. Tiền đã chuyển đến các quận - huyện, TP. Thủ Đức; tuy nhiên, danh sách hỗ trợ đợt này hơn 7 triệu người, công tác lập, rà soát, đối chiếu, cập nhật danh sách để tích hợp lên phần mềm giám sát hỗ trợ cần có thời gian để không bỏ sót, trùng lắp đối tượng.

Vì vậy, đến ngày 1/10, rà soát xong phần nào lập tức sẽ thông báo để địa phương triển khai chi hỗ trợ phần đó.

Trong ngày 27/9, Trung tâm An sinh thành phố đã tiếp nhận các mặt hàng như đồ bảo hộ, khẩu trang 3M, găng tay, gạo, sữa ... do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành phố vận động công ty Thế giới sữa, tỉnh Tuyên Quang, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 hỗ trợ ước tính trị giá 8.465.400.000 đồng.

Sữa hộp được phân phối đến 22 đơn vị quận huyện và TP. Thủ Đức, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các cơ sở bảo trợ xã hội và con em lực lượng tình nguyện viên; gạo chuyển về các bếp ăn từ thiện như: bếp Chùa Hương Thiền, bếp Moon, bếp ăn bệnh viện Trưng Vương - Hùng Vương với tổng trị giá phân phối ước tính 8.165.400.000 đồng.

Lũy kế từ ngày 15/8/2021 đến 27/09/2021: Tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.996.160 túi (tăng 14.000 túi so với ngày 26/9/2021).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ